.

Nhật - Mỹ tăng cường hợp tác hải quân

.

ĐNĐT - Liên minh cầm quyền của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đang nỗ lực đẩy mạnh sự diễn giải lại hiến pháp, lần đầu tiên trong hơn 60 năm, cho phép nước này tham gia phòng thủ tập thể, hỗ trợ đồng minh. 

Phó đô đốc Hải quân Mỹ, Robert Thomas đã kêu gọi các nước ASEAN hình thành một lực lượng tuần tra phối hợp tại các khu vực trên Biển Đông. Ảnh: AFP
Phó đô đốc Hải quân Mỹ, Robert Thomas đã kêu gọi các nước ASEAN hình thành một lực lượng tuần tra phối hợp tại các khu vực trên Biển Đông. Ảnh: AFP

Động thái này sẽ mở đường cho triển vọng về một mối quan hệ gắn kết hơn giữa lực lượng quân sự Nhật - Mỹ ở châu Á, theo nhận định của một chỉ huy hàng đầu Mỹ vào hôm nay (31-3).

Cùng ngày, một lãnh đạo hải quân Mỹ tuyên bố Washington triển khai các tàu khu trục tàng hình hiện đại nhất tới Thái Bình Dương do lo ngại nguy cơ bất ổn ở khu vực này.

Liên minh Nhật - Mỹ có khả năng tiến hành cuộc tập trận hải quân chung mở rộng trên khắp Á châu, từ Nhật Bản, sang Biển Đông - nơi xảy ra tranh chấp chủ quyền, một phần hay toàn bộ, giữa Trung Quốc và các nước khác trong khu vực - cho tới Ấn Độ Dương.

Tuy Tokyo không là một bên có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông nhưng lại có một mối lo ngại về nguy cơ Trung Quốc thống trị đường hàng hải mà các tàu chở hàng của Nhật thường qua lại. Trong khi đó, phương hướng hợp tác phòng vệ Mỹ - Nhật mới hoàn toàn phù hợp với việc triển khai chiến lược “tái cân bằng” châu Á của Mỹ. 

Chỉ huy Hạm đội 7 Mỹ Robert Thomas gần đây đề nghị Nhật Bản mở rộng tuần tra trên không tới Biển Đông, đồng thời đề nghị ASEAN thành lập lực lượng trên biển tuần tra Biển Đông - những lời kêu gọi này khiến Trung Quốc tức tối.

Phát biểu trước báo giới cùng với Đô đốc Nhật Bản, Eiichi Funada, ông Thomas cho rằng, Nhật có “khả năng và năng lực cho các chiến dịch trong các vùng biển quốc tế và không phận quốc tế ở bất kỳ đâu trên địa cầu”.

Hiện Washington đang hoan nghênh một vai trò quân sự lớn hơn trong khu vực khi mà Mỹ thúc đẩy các đồng minh châu Á, kể cả Australia, hãy làm nhiều hơn nữa bởi Trung Quốc ngày càng cứng rắn hơn về lập trường đối với các tranh chấp lãnh thổ trong khu vực.

Mỹ đang ra sức ủng hộ việc mở rộng vai trò quân sự của Tokyo trong khu vực trong bối cảnh hai nước đồng minh này đang thương lượng một hiệp ước an ninh song phương mới trong khuôn khổ chiến lược “xoay trục” sang châu Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Hiệp ước mới sẽ dành cho Nhật Bản một vai trò lớn hơn trong liên minh này. Liên minh này đang tiến tới hoàn tất bản chỉ dẫn các nguyên tắc hợp tác quốc phòng vào cuối tháng 6 năm nay.

Nhật - Mỹ cũng sẽ tăng cường hợp tác song phương trong các lĩnh vực như chống cướp biển, buôn bán người, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai.

Với “hạt nhân” là hạm đội tàu sân bay George Washington có “cảng nhà” ở Nhật Bản, Hạm đội 7 của Mỹ bao gồm khoảng 80 tàu, 140 máy bay, 40.000 thủy thủ, là một trong những lực lượng hải quân mạnh nhất ở Thái Bình Dương.

Hải quân Nhật Bản bao gồm khoảng 120 tàu, trong đó có hơn 40 tàu khu trục và một lực lượng tàu ngầm gồm khoảng 20 chiếc.

Trước động thái của Nhật và Mỹ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh cho rằng, liên minh Nhật - Mỹ “không nên vượt quá phạm vi song phương và cũng không nên làm phương hại tới lợi ích an ninh của khu vực”.

Phát biểu trong một buổi điểm tin tại Bắc Kinh, bà Hoa Xuân Oánh nói: “Chúng tôi hy vọng rằng, sự hợp tác Nhật - Mỹ và sự phát triển quan hệ của họ có thể đóng vai trò tác động tích cực và xây dựng hòa bình, ổn định và phát triển khu vực”.

Anh Thư - Quang Hiển (theo Reuters)

;
.
.
.
.
.