.

Đàm phán giữa Iran và P5+1: Hy vọng tháo gỡ bế tắc

.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov trở lại bàn đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran tại thành phố Lausanne (Thụy Sĩ) vào ngày 31-3. Ông nói rằng, vẫn có “cơ hội lớn” đạt được thỏa thuận khung trước thời hạn cuối.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif (phải) và Cao ủy phụ trách đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini tham gia đàm phán tại Lausanne.  		            Ảnh: AFP
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif (phải) và Cao ủy phụ trách đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini tham gia đàm phán tại Lausanne. Ảnh: AFP

Đàm phán giữa Iran và P5+1 nhằm ngăn chặn việc Tehran sở hữu vũ khí hạt nhân đã bước vào ngày cuối cùng với hy vọng đạt được thỏa thuận khung trước thời hạn cuối vào giữa đêm 31-3 (giờ địa phương), làm cơ sở để hướng tới một thỏa thuận toàn diện vào cuối tháng 6. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov sau khi rời bàn đàm phán vào một ngày trước đó để trở về Mátxcơva đã quay lại Lausanne để tiếp tục cuộc gặp cấp bộ trưởng của 6 cường quốc, bao gồm: Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức. “Triển vọng của vòng đàm phán không xấu, thậm chí tôi cho là tốt”, ông Lavrov nói tại cuộc họp báo ở Mátxcơva.

Cả hai bên đều hy vọng khủng hoảng hạt nhân kéo dài suốt 12 năm qua và kéo theo nguy cơ một cuộc chiến tranh khác ở Trung Đông sẽ kết thúc. Song, 3 vấn đề bế tắc được đặt ra, bao gồm: thời hạn của thỏa thuận hạt nhân, việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Iran và một cơ chế áp đặt lại các lệnh trừng phạt trong trường hợp Tehran không tuân thủ thỏa thuận.

Hãng AFP dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thừa nhận vẫn còn “một số vấn đề khó khăn”. Mọi sự chú ý đều tập trung vào thời hạn cuối và nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf nói rằng, bà không thể dự đoán điều gì sẽ xảy ra nếu không kịp đạt được thỏa thuận. Theo bà, cơ hội đạt được thỏa thuận là 50-50.

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius và người đồng cấp Đức Frank-Walter Steinmeier đã hoãn kế hoạch đến Berlin để tham dự hội nghị thượng đỉnh giữa hai quốc gia châu Âu này. “Đàm phán đang ở giai đoạn quan trọng và khó khăn, đòi hỏi sự hiện diện của cả hai bộ trưởng này tại Lausanne”, một nguồn tin ngoại giao của Đức cho biết.

Theo Reuters, mấu chốt là Iran đòi quyền nghiên cứu và phát triển tự do các máy ly tâm sau khi thời hạn 10 năm ngừng hoạt động hết hiệu lực. Ngoài ra, Tehran cũng yêu cầu nhanh chóng dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp trừng phạt làm ảnh hưởng đến nền kinh tế của nước này. “Sẽ không có thỏa thuận nếu không giải quyết vấn đề trừng phạt”, nhà đàm phán Iran Majid Takhteravanchi nói với hãng thông tấn Fars. Vị quan chức ngoại giao này cho rằng, việc tháo dỡ các biện pháp trừng phạt rất quan trọng đối với Iran.

Cả Iran lẫn 6 cường quốc đều để ngỏ các cam kết. Song gần đây, Iran có thiện chí: đồng ý giảm hơn 2/3 lượng máy ly tâm và chuyển hầu hết kho nhiên liệu hạt nhân sang Nga. Thậm chí, theo các quan chức, nước Cộng hòa Hồi giáo này còn chấp nhận giảm lượng máy ly tâm nhiều hơn.

Tại Mỹ, Tổng thống Barack Obama vấp phải chỉ trích khi phe đối lập cho rằng, ông đã “mắt nhắm mắt mở” trước “động cơ bất chính” của Iran và nguy cơ “các cuộc chiến tranh ủy nhiệm” ở Trung Đông để thúc đẩy một thỏa thuận được cho là mang tính lịch sử, sau nhiều thập niên thù địch của Washington và Tehran. Quốc hội lưỡng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát nhất quyết ngăn cản việc ký kết thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Tuy người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf cho rằng, Washington không vội để có một thỏa thuận tồi, nhưng Tổng thống Obama không còn nhiều thời gian để kéo dài đàm phán. Cả Mỹ lẫn Iran đều không mong muốn thỏa thuận bất thành, bởi điều này có thể kéo theo một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân ở Trung Đông, càng làm khu vực này bất ổn hơn.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.
.