.

Bước khởi đầu cho Hy Lạp

.

Việc Hy Lạp và các chủ nợ quốc tế đạt được thỏa thuận về gói cứu trợ thứ ba trị giá khoảng 86 tỷ euro (94 tỷ USD) chỉ là bước khởi đầu cho Athens, bởi quốc gia châu Âu này còn đối mặt với nhiều vấn đề mà không thể giải quyết một sớm một chiều.

Người dân Hy Lạp biểu tình chống chính sách “thắt lưng buộc bụng”. Tuy nhiên, Thủ tướng Alexis Tsipras không còn sự lựa chọn nào khác.                                Ảnh: AFP
Người dân Hy Lạp biểu tình chống chính sách “thắt lưng buộc bụng”. Tuy nhiên, Thủ tướng Alexis Tsipras không còn sự lựa chọn nào khác. Ảnh: AFP

Ngày 12-8, chính phủ Hy Lạp đệ trình văn bản dự luật 400 trang về gói cứu trợ mới lên Quốc hội, với hy vọng sẽ được cơ quan lập pháp này sớm phê chuẩn, giúp Athens có thể thanh toán khoản nợ trị giá 3,4 tỷ euro (3,7 tỷ USD) cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào tuần tới. AP cho biết, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras kêu gọi một phiên họp khẩn cấp của Quốc hội để bàn thảo và bỏ phiếu về dự luật, trong đó đề cập việc tăng thuế và cắt giảm chi tiêu.

Ngoài ra, Athens phải thực hiện những cải cách về lương hưu, năng lượng, thị trường bán lẻ, giao thông vận tải, thị trường lao động…; đồng thời bán bớt khối tài sản ước tính trị giá hơn 50 tỷ euro. Thời hạn để Quốc hội gồm 300 thành viên thông qua dự luật là ngày 13-8, từ đó Hy Lạp mới có được khoản cứu trợ trước ngày 20-8 và bảo đảm tương lai của Athens trong khối các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone).

Cũng theo AP, Thủ tướng Tsipras vẫn đang đối mặt với sự phản đối từ những người cứng rắn trong đảng cánh tả Syriza cầm quyền của ông, mặc dù dự luật có thể sẽ được thông qua nhờ sự ủng hộ của các nghị sĩ phe đối lập thân châu Âu.

Nếu Quốc hội Hy Lạp phê chuẩn thỏa thuận, cuộc khủng hoảng nợ công ở nước này có thể tạm thời tìm ra lối thoát. Chính phủ Athens nói rằng, các ngân hàng Hy Lạp, đã đóng cửa trong 3 tuần qua, sẽ ngay lập tức nhận được 10 tỷ euro để trả nợ và được tái cấp vốn đầy đủ vào cuối năm nay.

Ủy ban châu Âu (EC) gọi thỏa thuận của Hy Lạp và các chủ nợ, bao gồm: Liên minh châu Âu (EU), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và ECB sau gần 23 giờ đàm phán marathon là “thỏa thuận kỹ thuật”. Theo nữ phát ngôn của EC Annika Breidthardt, “những gì mà chúng ta không có là một thỏa thuận chính trị”.  

Thỏa thuận nói trên đạt được sau nhiều tháng đàm phán là nỗ lực rất lớn của Thủ tướng Tsipras và chính phủ cánh tả - nắm quyền từ tháng 1 vừa qua với cam kết chấm dứt chính sách “thắt lưng buộc bụng”. AFP dẫn một nguồn tin của EU cho hay, không chắc chắn Hy Lạp sẽ trả được nợ cho ECB vào ngày 20-8 tới và Athens phải cần một nguồn quỹ khẩn cấp. Trong lúc đó, Bộ trưởng Tài chính Phần Lan Alexander Stubb, một trong những người có quan điểm cứng rắn với thỏa thuận, nhấn mạnh rằng còn nhiều việc cần làm với Athens.

Theo AFP, Thủ tướng Tsipras sẽ đối mặt với nhiều thử thách hơn nữa khi thực thi thỏa thuận trong bối cảnh ông không có sự ủng hộ từ đảng Syriza cầm quyền. Các nghị sĩ Syriza cho rằng, thỏa thuận mới kéo theo “thắt lưng buộc bụng” chồng lên “thắt lưng buộc bụng”, tác động đáng kể đến nền kinh tế đang ảm đạm của Hy Lạp, thậm chí đi ngược lại các cam kết của đảng này lúc tranh cử. Ông Tsipras đã cảnh báo rằng sẽ tiến hành bầu cử sớm nếu sự chống đối tiếp tục diễn ra trong nội bộ đảng cầm quyền.

Hai gói cứu trợ quốc tế trước đó với tổng trị giá 240 tỷ euro cũng không thể giúp Hy Lạp thoát khỏi khủng hoảng và gói cứu trợ thứ ba trị giá 86 tỷ euro lần này cũng được cho là không đủ. IMF dự báo trong 10 năm tới, gánh nợ công mà Hy Lạp đang cõng sẽ càng nặng nề hơn. Ước tính năm 2016, nợ công của Hy Lạp sẽ tăng lên 200% GDP so với dự báo 177% trước đó. Năm 2022, con số này vẫn ở mức cao 170% GDP.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.