.

Các giả thuyết về vụ đánh bom Bangkok

.

Mức độ của vụ đánh bom gây chết người ở Bangkok hôm thứ Hai 17-8 dẫn đến phỏng đoán vụ này có thể không phải bắt nguồn từ động cơ chính trị trong nước.

Pavin Chachavalpongpun là phó giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại học Kyoto. Ông đưa ra một số phân tích như sau:

Khung cảnh tan hoang tại đền Erawan sau vụ đánh bom
Khung cảnh tan hoang tại đền Erawan sau vụ đánh bom

Mục tiêu tấn công - đền thờ Erawan, có thể là một đầu mối

Nhiều người có thể không coi trọng vị trí của vụ tấn công, nhưng địa điểm có thể mang ý nghĩa lớn.

Đền Erawan là một điểm du lịch rất nổi tiếng ở Bangkok và là mục tiêu dễ thấy nếu ai đó muốn gây tiếng vang lớn.

Văn hóa Thái Lan tôn trọng Phật giáo và các tín ngưỡng khác, nên thông thường người Thái sẽ không chọn một cơ sở thờ tự, tôn giáo để làm mục tiêu tấn công. Từ đây có thể đoán người đứng đằng sau vụ tấn công không phải là người Thái.

Điều này không có nghĩa kẻ tấn công theo một tôn giáo khác, mà chỉ có nghĩa là nếu như cuộc tấn công mang động cơ chính trị trong nước Thái, thì kẻ chủ mưu sẽ không chọn đền Erawan.

Vượt quá mức độ bạo lực chính trị

Mức độ thiệt hại quá lớn, quá nhiều người chết, quá kinh khủng. Với một nghị trình chính trị chỉ gói gọn trong nước thì không cần phải đổ máu nhiều đến thế.

Gần đây ở Thái Lan cũng có một số vụ ném lựu đạn gây thương vong nhằm đưa thông điệp chính trị, nhưng nói chung chỉ có thế, không tới mức như lần này.

Giả thuyết về phe ly khai và người Uighur

Có bình luận cho rằng vụ đánh bom bắt nguồn từ xung đột với phe ly khai Hồi giáo ở miền Nam Thái Lan, thế nhưng cho tới nay, bạo lực chính trị chỉ giới hạn trong ba tỉnh miền Nam chứ chưa bao giờ lan tới thủ đô Bangkok.

Một số người cũng suy đoán khả năng có sự tham gia của người Hồi giáo Uighur ở Trung Quốc, vốn giận dữ trước việc Thái Lan trục xuất người tị nạn Uighur về Trung Quốc để đối mặt với đàn áp. Họ cho đây là một vụ trả thù.

Thế nhưng cho tới giờ, chúng ta chưa đủ chứng cứ để tin vào giả thuyết này.

Thông thường các mạng lưới khủng bố quốc tế nhận trách nhiệm về các vụ tấn công khá nhanh chóng, nhưng hiện chưa ai nhận thực hiện vụ nổ bom Erawan.

Thất bại của tình báo

Một điều rõ ràng là tình báo của chính quyền đã hoạt động không hiệu quả.

An ninh ở Bangkok khá là lỏng lẻo và nhà chức trách tự nhủ rằng ở một đất nước Phật giáo thì không ai làm việc gì khủng khiếp như vậy.

Lịch sử đã cho thấy nhiều lần rằng ở Thái Lan ít thông tin tình báo mà chỉ nhiều tưởng tượng và đổ lỗi cho nhau.

Chính quyền đã ra chỉ dấu về liên quan của "một nhóm chống chính phủ ở Đông Bắc Thái Lan", ý nói phong trào Áo Đỏ vốn ủng hộ cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, người đang lưu vong.

Chính phủ cũng có thể lợi dụng tình hình hiện nay để tìm cách giữ lấy quyền lực lâu dài hơn.

Tuy nhiên, cần nhắc lại là không có giả thuyết nào trong số nói trên tỏ ra thuyết phục hoàn toàn với các chứng cứ mà chúng ta có trong tay.

Vụ tấn công cũng đe dọa gây ảnh hưởng lớn tới lòng tin vào an toàn xã hội cũng như sự tự tin của nhà đầu tư vào nền kinh tế Thái Lan.

Nếu như vụ tấn công này là một phần cuộc tranh đấu chính trị trong nước thì đây sẽ là bước ngoặt trong chiến thuật đảng phái ở Thái Lan.

Theo BBC

;
.
.
.
.
.