.

Nước Anh tìm lối thoát trong khủng hoảng

.

Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne xoa dịu những quan ngại về nền kinh tế của nước này thời “hậu Brexit”, trong lúc Thủ tướng David Cameron khẳng định sẽ không có cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai.

Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne rời cuộc họp báo do Bộ này tổ chức ở London ngày 27-6. 	      	              					               Ảnh: AP
Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne rời cuộc họp báo do Bộ này tổ chức ở London ngày 27-6. Ảnh: AP

Ngày 27-6, xuất hiện trước công chúng lần đầu tiên kể từ sau cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý, Bộ trưởng Tài chính George Osborne nhấn mạnh: Kinh tế Anh hiện vẫn tốt hơn lúc bắt đầu cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. “Sẽ không thuận buồm xuôi gió trong những ngày tới”, ông Osborne nói. “Nhưng hãy để tôi nói rõ. Bạn không nên đánh giá thấp giải pháp của chúng tôi. Chúng tôi đã chuẩn bị cho những điều bất ngờ”, vị quan chức này nói thêm.

Theo các nhà quan sát, phát biểu của Bộ trưởng Tài chính Osborne nhằm bình ổn các thị trường khi thị trường tài chính toàn cầu rơi vào tình trạng hỗn loạn chưa từng có khiến các nhà đầu tư lo ngại. Song, AP cho biết, Bộ trưởng Osborne cam kết không đưa ra gói ngân sách mới, mặc dù trong chiến dịch vận động trước đó, ông từng khẳng định gói ngân sách mới sẽ cần thiết nếu cử tri lựa chọn Brexit. Theo ông, gói ngân sách mới là nhiệm vụ của chính phủ kế nhiệm ông Cameron.

Hãng AFP dẫn lời ông Osborne rằng, nước Anh sẽ không vội thực hiện điều 50 Hiệp ước Lisbon năm 2007 về Liên minh châu Âu (EU), theo đó mọi thành viên có thể tự quyết định rút khỏi liên minh theo trình tự quy định bởi hiến pháp. “Nước Anh chỉ có thể kích hoạt điều 50 và chúng tôi chỉ nên làm điều đó khi có cái nhìn rõ ràng về sự sắp xếp mới mà chúng tôi đang tìm kiếm với các nước láng giềng châu Âu”, ông nói.

Về tương lai chính trị của Bộ trưởng Osborne - người ủng hộ Anh ở lại EU, theo Chủ tịch Hạ viện Anh Chris Grayling, ông Osborne nên có một vị trí trong chính phủ mới nhưng điều này lại phụ thuộc vào chính phủ kế nhiệm. Là người ủng hộ Brexit nhưng ông Grayling muốn chính phủ mới nên đại diện cho cả phe ủng hộ lẫn phe phản đối Brexit.

Trong lúc này, các cường quốc châu Âu kêu gọi “ly hôn” nhanh chóng với Anh do lo ngại hiệu ứng domino có thể ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của liên minh gồm 28 thành viên. Các nhà lãnh đạo Đức, Ý và Pháp đã nhóm họp tại thủ đô Berlin để bàn thảo về vấn đề nước Anh rời EU. Cả ba đều muốn đưa ra một thông điệp chung: cần tiến hành đàm phán nhanh chóng về việc Anh rời EU. Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel vốn cùng quan điểm “mọi thứ phải trở nên rõ ràng nhất để ngăn chặn bất cứ sự bất ổn nào”. Reuters dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin xác nhận: Không có sự khác biệt nào giữa Pháp với Đức về tiến trình Anh cần nhanh chóng rời EU. Dù vậy, nhà lãnh đạo Đức Merkel vẫn kêu gọi cần bình tĩnh trong việc thực hiện Brexit. Tuy nhiên, ngay trong các nước EU cũng có sự chia rẽ về cách xử lý việc Anh rời liên minh. Cựu Thủ tướng Phần Lan Alexander Stubb lại cho rằng, EU không nên thúc giục Anh bởi đó sẽ là hàng loạt quá trình đàm phán cực kỳ phức tạp.

Thủ tướng Cameron vẫn bảo vệ quan điểm: Việc đàm phán về sự ra đi của Anh phải chờ cho đến khi chọn được người kế nhiệm từ đảng Bảo thủ của ông và động thái này có thể kéo dài đến cuối tháng 10 tới. Ông Cameron đang rốt ráo xử lý những công việc cuối cùng trên cương vị Thủ tướng, cụ thể là chủ trì cuộc họp nội các khẩn cấp vào ngày 27-6 để tìm giải pháp cho tiến trình rời EU. Quốc hội Anh cũng nhóm họp trở lại sau “cú sốc Brexit”.

Điều mà người dân Anh cũng như châu Âu quan tâm là một cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai có khả thi hay không. Thực tế, dù đến nay có hơn 3,2 triệu người cùng ký tên vào đơn kiến nghị nhưng Thủ tướng Cameron tuyên bố sẽ không có cuộc bỏ phiếu thứ hai, ngoại trừ cuộc bỏ phiếu lịch sử hôm 23-6.

Theo AFP, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng đến Brussels (Bỉ) và London (Anh) để bàn về hậu quả của cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý gây chấn động vừa qua. Trước đó, có mặt ở Rome (Ý), ông Kerry bày tỏ sự nuối tiếc về quyết định của người dân Anh khi xứ sở sương mù này là quốc gia đầu tiên rời EU.

Trong bài viết trên báo Daily Telegraph ngày 27-6, ông Boris Johnson, cựu Thị trưởng London và là thủ lĩnh chiến dịch Brexit cho rằng, nước Anh sẽ tiếp tục được tiếp cận thị trường chung của EU mặc dù đã quyết định rời khỏi liên minh. “Sẽ tiếp tục có thương mại tự do và sự tiếp cận với thị trường chung (EU)”, ông Johnson viết. Ông Johnson được xem là một trong những ứng cử viên kế nhiệm Thủ tướng David Cameron.

Ông Cameron dự kiến từ chức vào tháng 10 tới và thủ tướng mới có thể kêu gọi bầu cử sớm trước khi đàm phán về Brexit.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.