.

Brexit chiếm lĩnh diễn đàn NATO

.

Các nhà lãnh đạo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhóm họp ở Warsaw (Ba Lan) trong hai ngày 8-7 và 9-7 để gửi thông điệp rõ ràng về việc kiểm soát khủng hoảng sau cuộc bỏ phiếu gây sốc của Anh. Vấn đề Brexit vô hình trung chiếm lĩnh diễn đàn NATO.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đến sân bay Chopin ở Warsaw (Ba Lan) ngày 8-7 để tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO. 			Ảnh: AP
Tổng thống Mỹ Barack Obama đến sân bay Chopin ở Warsaw (Ba Lan) ngày 8-7 để tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO. Ảnh: AP

Hãng AFP cho biết, tương lai của Anh là nội dung chính trong các cuộc trao đổi giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker.

Không thay đổi vị trí hàng đầu của Anh trong NATO

Hội nghị thượng đỉnh NATO lần này đánh dấu sự tham dự cuối cùng của ông Barack Obama trên cương vị Tổng thống Mỹ. Trên báo Financial Times, Tổng thống Mỹ Obama viết: “Đây có lẽ là thời khắc quan trọng nhất đối với liên minh xuyên Đại Tây Dương của chúng ta kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh”. Ông kêu gọi NATO đoàn kết chống lại những thách thức toàn cầu, đồng thời khẳng định quan hệ đặc biệt giữa Mỹ và Anh sẽ tồn tại lâu dài; hơn nữa, Anh sẽ vẫn là một trong những thành viên mạnh nhất của NATO.

Theo AFP, ngày 8-7, ông Obama khẳng định Mỹ có những lợi ích trong một châu Âu thống nhất. Tại hội nghị, ông Obama cũng sẽ gặp gỡ Thủ tướng Anh David Cameron, người tuyên bố sẽ từ chức sau cuộc bỏ phiếu gây sốc của cử tri xứ sở sương mù. Việc bắt đầu đàm phán với Brussels về tiến trình Anh rời EU sẽ được chuyển giao cho người kế nhiệm ông Cameron, có thể là Bộ trưởng Nội vụ Theresa May hoặc Thứ trưởng Năng lượng Andrea Leadsom.

Hai ông Tusk, Juncker và nhiều thành viên EU đều nhấn mạnh: Nước Anh cần đàm phán ngay lập tức nhưng bất chấp mọi lời kêu gọi, London vẫn đang đi những bước thận trọng.

Trong khi đó, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định: Cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý vào ngày 23-6 vừa qua ở Anh chắc chắn sẽ thay đổi mối quan hệ giữa London với Liên minh châu Âu (EU) nhưng không thay đổi vị trí hàng đầu của nước này trong NATO.

Thực tế, theo giới quan sát, Brexit là tin xấu đối với NATO và sự hợp tác quốc phòng châu Âu bởi Anh là một cường quốc quân sự trọng yếu. Việc cử tri Anh quay lưng với EU vừa tác động đáng kể đến sự hợp tác giữa NATO với liên minh gồm 28 thành viên nhằm đối phó với những thách thức chung, vừa ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ trong nội bộ NATO.

NATO không muốn tái diễn Chiến tranh Lạnh

Liên quan đến mối quan hệ với Nga, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng, khối quân sự này sẽ tìm kiếm đối thoại mang tính xây dựng với Mátxcơva và không muốn tái diễn Chiến tranh Lạnh. Theo ông Stoltenberg, NATO có quan điểm rõ ràng: không tìm kiếm đối đầu, không muốn Chiến tranh Lạnh; đồng thời tiếp tục tìm kiếm đối thoại mang tính xây dựng và có ý nghĩa với Nga. “Nga là láng giềng lớn nhất của chúng tôi và là một phần không thể tách rời của an ninh châu Âu nên việc duy trì đối thoại là cần thiết”, người đứng đầu NATO nói.

Tuy nhiên, chính ông Stoltenberg cũng thừa nhận quan hệ NATO và Nga cần được xây dựng trên cơ sở “phòng thủ và đối thoại”, nghĩa là mối quan hệ này không thể trở nên “cơm lành, canh ngọt” ngay lập tức.

Hãng AFP cũng cho biết, các nhà lãnh đạo NATO sẽ phê chuẩn kế hoạch tăng cường lực lượng ở sườn phía đông của liên minh, bao gồm việc triển khai 4.000 binh sĩ tại Ba Lan, Estonia, Latvia và Lithuania.

Về phía Nga, các nhà chức trách cho hay, Mátxcơva sẽ kiểm tra chặt chẽ những gì được quyết định tại hội nghị thượng đỉnh NATO có ảnh hưởng đến an ninh của quốc gia này. Mátxcơva vốn phản đối kế hoạch triển khai lực lượng của NATO, trong đó có kế hoạch mở rộng về phía đông - giáp biên giới Nga. Hãng Itar-Tass dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rằng, không có chuyện nước bà không có lời đáp trả đối với kế hoạch tăng cường hoạt động quân sự nói trên của NATO.

Đó là chưa nói đến việc Mỹ kích hoạt lá chắn tên lửa tại Romania và Ba Lan, một động thái bị Nga phản đối kịch liệt. Mỹ khăng khăng rằng, lá chắn nhằm đối phó với mối đe dọa tên lửa từ Iran hoặc Trung Đông nhưng Nga không thể không quan ngại.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.