.

Hungary gửi thông điệp đến Brussels

.

Cuộc trưng cầu dân ý của Hungary về hạn ngạch nhập cư được cho là thông điệp gửi đến Brussels khi Thủ tướng Viktor Orban muốn bảo vệ châu Âu khỏi “mối đe dọa nhập cư hàng loạt” và cam kết từ chức nếu cử tri nói “có”.

Một áp-phích ở Budapest ủng hộ các chính sách của Thủ tướng Hungary Viktor Orban có dòng chữ: “Đừng mạo hiểm! Hãy bỏ phiếu không! Ngày 2-10”. 						Ảnh: AP
Một áp-phích ở Budapest ủng hộ các chính sách của Thủ tướng Hungary Viktor Orban có dòng chữ: “Đừng mạo hiểm! Hãy bỏ phiếu không! Ngày 2-10”. Ảnh: AP

Hãng AP cho biết, cử tri đi bỏ phiếu trưng cầu dân ý từ 6 giờ đến 19 giờ ngày 2-10. Câu hỏi được đưa ra là: “Bạn có muốn Liên minh châu Âu (EU) có thẩm quyền quy định tái định cư những công dân không phải là người Hungary mà không được sự ý của Quốc hội Hungary hay không?”. Các cuộc thăm dò dư luận trước bỏ phiếu cho thấy, đa số người dân trả lời “không”. Kết quả được công bố vào đêm cùng ngày (giờ Budapest).

Chính phủ Hungary trước đó đã không ngừng tổ chức chiến dịch vận động cử tri “gửi thông điệp đến Brussels” bằng cách cự tuyệt thỏa thuận của EU chia sẻ người nhập cư cho các nước thành viên của khối mà không cần được sự phê chuẩn của Quốc hội của mỗi nước. Đây là chiến dịch của Thủ tướng Hungary Viktor Orban nhằm bảo vệ châu Âu khỏi “mối đe dọa nhập cư hàng loạt”. Song, nếu không đủ 50% cử tri đi bỏ phiếu, cuộc bỏ phiếu sẽ thất bại vì không được xem là hợp lệ và ông Orban sẽ rơi vào sự lúng túng.

Thăm dò do Viện Publicus công bố ngày 1-10 cho thấy, chỉ 46% trong số 1.000 người khẳng định sẽ đi bỏ phiếu, giảm so với con số 54% hồi tháng 9 vừa qua. Song, chính phủ Hungary trấn an về khả năng tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu thấp, với tuyên bố của Thủ tướng Orban rằng, điều này “không có ý nghĩa chính trị”. “Nếu nhiều người nói “không” hơn nói “có” thì có nghĩa là người dân Hungary không chấp nhận quy định mà các quan chức EU muốn áp đặt cho chúng tôi”, ông nói; đồng thời cam kết từ chức nếu cử tri nói “có”.

Ngày 1-10, Thủ tướng Orban cũng cảnh báo, nhập cư ồ ạt là “mối đe dọa cho cuộc sống an toàn của châu Âu”, tạo gánh nặng cho các nước phải tiếp nhận. Trong bài viết đăng tải trên báo Magyar Idok, ông cho rằng, câu hỏi được nêu trong cuộc trưng cầu dân ý dường như đơn giản nhưng thực chất bao hàm mọi vấn đề tác động đến số mệnh của EU. Năm ngoái, hơn 400.000 người tị nạn, chủ yếu từ Syria, muốn băng qua Hungary để đến các nước Tây Âu giàu có. Ông Orban đã cho rào biên giới phía nam với Serbia và Croatia bằng dây thép gai và điều động hàng ngàn binh sĩ, cảnh sát để ngăn người nhập cư.

Theo AFP, đề xuất của EU phân bổ người nhập cư do Đức dẫn đầu và được hầu hết các nước trong khối phê chuẩn hồi năm ngoái nhằm tháo gỡ áp lực cho Ý và Hy Lạp, hai cửa ngõ chính tiến vào châu Âu của hàng trăm ngàn người di cư, hầu hết đến từ Syria do muốn tránh chiến tranh. Song, việc thực thi hạn ngạch này diễn ra chậm chạp khi vấp phải sự phản đối của các nước Đông Âu và Trung Âu. Theo quy chế, Hungary sẽ phải tiếp nhận 1.294 người nhưng chính phủ Budapest không đồng ý. Ông Orban trở thành là nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân túy nổi bật chống lại chính sách mở cửa của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Vì vậy, cuộc trưng cầu dân ý ở Hungary đe dọa càng gây chia rẽ khối hiện gồm 27 thành viên (không kể Anh). Liên minh già cỗi này vốn đang suy yếu bởi cuộc khủng hoảng nhập cư nghiêm trọng nhất kể từ năm 1945 đến nay và việc Anh bỏ phiếu rời khối.

Các đảng và các nhóm nhân quyền chống đối Thủ tướng Orban đã tổ chức các cuộc biểu tình trước giờ bỏ phiếu trưng cầu dân ý, cáo buộc người đứng đầu chính phủ Hungary cổ xúy bài ngoại. Trong khi đó, theo các nhà phân tích, trưng cầu dân ý lần này là phép thử đối với cuộc tổng tuyển cử năm 2018 ở Hungary và nhập cư sẽ là vấn đề chính.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.