.

MH370 mãi là điều bí ẩn

.

Việc máy bay của hãng hàng không Malaysia mang số hiệu MH370 mất tích vào ngày 8-3-2014 đến nay vẫn là điều bí ẩn. Chiến dịch tìm kiếm của các nước Malaysia, Úc, Trung Quốc kết thúc trong nỗi thất vọng và cả sự tức giận của thân nhân các nạn nhân.

Ông Wen Wanchang, có con trai mất tích trên chiếc máy bay MH370, đau buồn khi chiến dịch tìm kiếm ngừng lại. 							Ảnh: AP
Ông Wen Wanchang, có con trai mất tích trên chiếc máy bay MH370, đau buồn khi chiến dịch tìm kiếm ngừng lại. Ảnh: AP

Hãng Reuters cho biết, chiến dịch tìm kiếm quy mô lớn, kéo dài trong vô vọng của 3 nước Malaysia, Úc và Trung Quốc kết thúc vào ngày 17-1. Theo thông cáo chung, chiếc máy bay không nằm trong khu vực tìm kiếm rộng 120.000km2 ở nam Ấn Độ Dương.

“Bất chấp mọi nỗ lực với việc sử dụng khoa học tối tân nhất, cuộc tìm kiếm không xác định được vị trí chiếc máy bay”, thông cáo nêu rõ, đồng thời cho hay quyết định ngừng tìm kiếm được đưa ra không hề dễ dàng và cũng có không ít nỗi buồn. Theo đó, chiếc tàu cuối cùng đã rời khu vực tìm kiếm vào ngày 17-1, khép lại chiến dịch ở nam Ấn Độ Dương suốt gần 3 năm qua.

Chuyến bay MH370 hành trình từ Kuala Lumpur (Malaysia) đến Bắc Kinh (Trung Quốc) với 239 hành khách và phi hành đoàn đã mất tích, tạo ra nhiều giả thuyết như có thể máy bay bị không tặc, hoặc đây là một âm mưu khủng bố…

Hầu hết các nạn nhân là người Trung Quốc. Đến nay, các nhà chức trách không phát hiện thông tin mới nào, ngoài 3 mảnh vỡ được cho là của máy bay MH370. Hơn 30 mảnh vỡ đã được tìm thấy trên bờ biển Mauritius, đảo Reunion của Pháp ở Ấn Độ Dương, Mozambique, Tanzania và Nam Phi. Song, giới chức Malaysia chỉ xác định 3 mảnh vỡ của máy bay MH370.

Tháng 7-2016, Malaysia, Úc và Trung Quốc thống nhất sẽ ngừng công tác tìm kiếm tiêu tốn 145 triệu USD nếu không tìm thấy máy bay hoặc không tìm được bằng chứng mới.

Tuy nhiên, theo AFP, gần 3 năm trôi qua, thân nhân của các nạn nhân vẫn không chấp nhận việc không bao giờ tìm thấy 239 hành khách và phi hành đoàn. Một số người bày tỏ sự thất vọng, thậm chí tức giận và kêu gọi các nhà chức trách tiếp tục nỗ lực để xác định điều gì đã xảy ra với MH370; trong khi những người khác nói rằng, họ hiểu việc tìm kiếm gây tốn kém nhất trong lịch sử hàng không thế giới đến lúc phải dừng lại.

Anh Nan Jinyan, có vị hôn thê mất tích cùng chiếc máy bay xấu số, dường như chấp nhận thực tế. “Sự thật rằng, máy bay mất tích không thể tìm thấy, có lẽ mãi mãi như vậy. Chúng ta không có cách nào khác là phải chấp nhận”, anh Nam nói.

Voice370, một nhóm kêu gọi các nhà chức trách tiếp tục tìm kiếm, cũng bày tỏ sự thất vọng. Tuyên bố của nhóm này nhấn mạnh: Việc mở rộng tìm kiếm ở các khu vực mới được các chuyên gia xác định là nhiệm vụ không thể né tránh; ngừng chiến dịch tìm kiếm là hành động “vô trách nhiệm”, “cho thấy sự thiếu lòng tin đến không ngờ đối với các dữ liệu, công cụ và khuyến nghị của các chuyên gia”. “Các máy bay thương mại không được mất tích mà không có dấu vết”, tuyên bố của Voice370 nêu rõ.

Trong khi đó, nhiều thân nhân của các nạn nhân phàn nàn về việc thiếu sự phối hợp trong hoạt động tìm kiếm ở tây Ấn Độ Dương và dọc bờ biển châu Phi, nơi có 3 mảnh vỡ được cho là của máy bay MH370. Việc Cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah có thể đã cố tình lao máy bay xuống biển được xem xét kỹ lưỡng nhưng vẫn chưa đi đến kết luận nào.

Cũng có giả thuyết cho rằng, máy bay MH370 đã không có ai kiểm soát khi nó hết nhiên liệu và rơi với tốc độ cao rồi chìm nhanh xuống đáy biển ở một vùng nào đó thuộc Ấn Độ Dương.

BÌNH YÊN

;
.
.
.
.
.