.

Rục rịch chuyển giao quyền lực ở Mỹ

.

Ngày 10-1 (giờ Mỹ), Thượng viện Mỹ khởi động các phiên điều trần và kéo dài 3 ngày nhằm phê chuẩn các vị trí trong chính quyền mới đã được Tổng thống đắc cử Donald Trump bổ nhiệm thời gian qua.

Ông Donald Trump sẽ nhậm chức vào ngày 20-1. 		                           Ảnh: AP
Ông Donald Trump sẽ nhậm chức vào ngày 20-1. Ảnh: AP

Thực tế, đây là phép thử để người ta đo lường sự ủng hộ của đảng Cộng hòa, nói chính xác hơn là các thành viên chủ chốt trong đảng Cộng hòa đối với tỷ phú Donald Trump, một người mà cho đến khi chỉ còn cách ngày nhậm chức chính thức 10 ngày nữa vẫn đang tiếp tục có những động thái gây tranh cãi ngay trong chính nội bộ đảng của mình.

Trong số 9 nhân sự được ông Trump đề cử phải tham gia các phiên điều trần để được Quốc hội phê chuẩn, có 4 người vẫn chưa công khai các thông tin tài chính quan trọng với Văn phòng đạo đức chính phủ. Trong số 4 người này có ông Wilbur Ross, người được chỉ định làm Bộ trưởng Thương mại và bà Betsy DeVos, người được chỉ định làm Bộ trưởng Giáo dục.

Cả hai đều là những tỷ phú chưa từng có kinh nghiệm làm việc trong chính phủ. Ngoài ra, còn 2 người nữa là cựu ứng cử viên tổng thống Ben Carson (được chỉ định làm Bộ trưởng Nhà ở và Phát triển đô thị) và Tướng John Kelly, người được chọn làm Bộ trưởng An ninh nội địa.

Trong số các phiên điều trần phê chuẩn quan trọng này, có một phiên được nhiều người quan tâm nhất, đó chính là Quốc hội xem xét việc bổ nhiệm thượng nghị sĩ Jeff Sessions làm Bộ trưởng Tư pháp. Thực tế, ông Jeff Sessions được xem là một trong những người có ảnh hưởng nhất đối với các quyết sách của ông Trump trong các vấn đề nhập cư và chống ma túy.

Ông Jeff Sessions sẽ là người đầu tiên sẽ đối mặt với phiên điều trần phê chuẩn bổ nhiệm trong ngày 10-1 (giờ Mỹ). Một mặt, ông bị các tổ chức nhân quyền phản đối với các cáo buộc cho rằng, ông có định kiến phân biệt chủng tộc; nhưng mặt khác, ông Jeff Sessions lại được cơ quan hành pháp bảo vệ.

Dự kiến thượng nghị sĩ bang Alabama này sẽ phải đối mặt với những chất vấn nghiêm khắc về lý lịch trong quá khứ cũng như mối quan hệ giữa ông và Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Tuy nhiên, với Ủy ban Tư pháp Thượng viện do đảng Cộng hòa lãnh đạo, cùng sự ủng hộ của các cựu quan chức thuộc Bộ Tư pháp và các nhóm hành pháp bảo vệ, có thể thấy cơ hội giành được sự phê chuẩn của Ủy ban Tư pháp lần này với ông Sessions rất khả quan.

Song song với diễn tiến các phiên điều trần tại Thượng viện, ngày 9-1, Tổng thống đắc cử Donald Trump công bố việc bổ nhiệm con rể của ông, doanh nhân bất động sản kiêm chủ báo 36 tuổi Jared Kushner làm cố vấn cấp cao Nhà Trắng.

Ngay sau thông báo này, đảng Dân chủ đã yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan như Bộ Tư pháp và Văn phòng đạo đức chính phủ vào cuộc để xem xét lại quyết định bổ nhiệm của ông Trump, căn cứ vào những điều khoản quy định trong luật chống chính sách gia đình trị và cả những nguy cơ xung đột quyền lợi tiềm ẩn.

Về vấn đề này, luật sư của ông Kushner, bà Jamie Gorelick cho biết, chức vụ mà ông đảm nhận trong Nhà Trắng không hề vi phạm luật chống chế độ gia đình trị. Theo bà Jamie Gorelick, ông Kushner sẽ hoàn toàn tuân thủ các quy định của luật pháp liên bang khi tiếp quản vị trí được bổ nhiệm trong Nhà Trắng.

Theo đó, ông Kushner sẽ từ chức Giám đốc điều hành tại tập đoàn kinh doanh bất động sản của gia đình, đồng thời cũng sẽ bán đi nhiều tài sản đáng kể để phù hợp với các luật lệ đạo đức của chính phủ liên bang.

Khác với các vị trí trong nội các, các vị trí cố vấn của Nhà Trắng được xem như một phần thuộc đội ngũ nhân viên Nhà Trắng, nên không cần phải được Quốc hội phê chuẩn.

Theo đội ngũ chuyển giao quyền lực của ông Trump, trong vai trò mới, ban đầu ông Jared Kushner sẽ tập trung vào vấn đề chính sách thương mại và Trung Đông. Tuy nhiên, theo giới quan sát, căn cứ vào những gì diễn ra trong suốt thời gian qua của con rể ông Trump, người ta cho rằng, vai trò cố vấn của Jared Kushner sẽ bao trùm toàn bộ các chính sách cả đối nội lẫn đối ngoại, chứ không chỉ giới hạn trong khuôn khổ nhất định nào đó.

Ngày 10-1 (giờ Mỹ, tức sáng 11-1, giờ Việt Nam), Tổng thống Barack Obama sẽ có bài phát biểu tạm biệt tại Chicago (bang Illinois), nơi đã chứng kiến những thành tựu trong sự nghiệp chính trị của ông. Đây là bài diễn văn cuối cùng của ông trên cương vị Tổng thống Mỹ. Đồng hành với ông Obama là đệ nhất phu nhân Michelle Obama, Phó Tổng thống Joe Biden cùng phu nhân Jill Biden.

Ông Cody Keenan, người chuyên chấp bút cho các phát biểu của Tổng thống Obama nói rằng, bài diễn văn lần này sẽ đề cập quan điểm của người sắp rời Nhà Trắng về hướng đi tiếp tục của Mỹ. “Đó sẽ không phải là bài phát biểu chống ông Trump mà sẽ kể một câu chuyện”, ông Keenan nói với AFP.

Trước đó, trong thông điệp từ Nhà Trắng, ông Obama cho hay, bài phát biểu tạm biệt sẽ điểm lại tiến trình phát triển của Mỹ trong nhiệm kỳ 8 năm và các thành tựu của ông như: kinh tế phục hồi, hơn 20 triệu người được cấp bảo hiểm, rút quân khỏi Afghanistan và Iraq, tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden, thỏa thuận hạt nhân với Iran…

Tổng thống Obama đã cam kết chuyển giao quyền lực suôn sẻ. Lễ nhậm chức của ông Donald Trump sẽ diễn ra vào ngày 20-1 tới.

PHÚC NGUYÊN

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
.
.
.
.
.