.

Thượng viện Anh có thể hoãn dự luật Brexit

.

Trong lúc Thượng viện Anh bắt đầu thảo luận về dự luật Brexit, người dân Anh ủng hộ Liên minh châu Âu (EU) biểu tình rầm rộ yêu cầu chính phủ bảo vệ các quyền lợi công dân trong khối này. Theo đó, tiến trình Anh rời EU có thể không suôn sẻ như mong muốn của Thủ tướng Theresa May.

Dự luật Brexit có thể gặp khó tại Thượng viện Anh khi đảng Bảo thủ chỉ chiếm  252/800 ghế. 							Ảnh: AFP
Dự luật Brexit có thể gặp khó tại Thượng viện Anh khi đảng Bảo thủ chỉ chiếm 252/800 ghế. Ảnh: AFP

Trong một động thái bất thường, Thủ tướng Anh Theresa May đã cùng tham gia phiên thảo luận của Thượng viện về dự thảo luật Brexit (Anh rời EU). Đầu tháng này, dự thảo đã được Hạ viện thông qua với số phiếu thuận áp đảo 494/122.

Tuy nhiên, lộ trình thông qua của dự luật Brexit tại Thượng viện có thể sẽ không trơn tru như của đảng Bảo thủ của Thủ tướng May mong muốn. Thượng viện nhiều khả năng muốn có những chỉnh sửa cụ thể trong dự luật. Trong khi đó, đảng Bảo thủ của bà May lại không chiếm đa số ghế trong Thượng viện.

Hãng AFP cho biết, các thượng nghị sĩ đang đề xuất những thay đổi với dự luật, kể cả những biện pháp nhằm bảo đảm quyền lợi cho các công dân EU ở Anh và xác định cách thức Quốc hội sẽ bỏ phiếu cho thỏa thuận Brexit cuối cùng trước khi bước vào đàm phán.

Thủ tướng Anh thúc giục các thượng nghị sĩ sớm phê chuẩn dự luật Brexit như ở Hạ viện và không chỉnh sửa cũng như trì hoãn. Chính phủ của bà May vẫn kỳ vọng có thể tiến hành mọi việc đúng thời gian dự kiến - kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon về EU vào cuối tháng 3 tới. Dự luật Brexit trao quyền cho bà May kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon, một thủ tục chính thức để bắt đầu các cuộc thương thuyết rời khối.

Chính phủ của Thủ tướng Anh từng trình bày một bản dự luật ngắn gọn sau khi Tòa án tối cao quyết định bà phải nhận được sự đồng thuận của Quốc hội trước khi bắt đầu các thủ tục cần thiết để đưa nước Anh rời EU. Tuy nhiên, chỉ với 252 ghế trong Thượng viện gồm hơn 800 ghế, đảng Bảo thủ sẽ gặp khó tại Thượng viện.

Trong lúc các thượng nghị sĩ bắt đầu phiên thảo luận về dự luật Brexit, hàng trăm công dân EU tập trung biểu tình bên ngoài tòa nhà Quốc hội, vẫy cờ của quốc gia họ và cờ EU. Bà Araceli Rodriguez (khoảng 60 tuổi, người Tây Ban Nha) nói: “Trước khi có vấn đề Brexit, tôi chẳng bao giờ nghĩ chuyện trở về quê nhà. Nhưng tôi đã đổi ý và tôi sẽ trở về. Thật không đáng sống ở một đất nước không còn muốn mình nữa”.

Các phiên thảo luận tại Thượng viện sẽ tiếp tục kéo dài trong tuần tới và phiên thảo luận cuối cùng về dự luật dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 7-3. Nếu Thượng viện bỏ phiếu thuận cho những yêu cầu chỉnh sửa nội dung dự luật, Hạ viện sẽ tiếp tục bàn bạc thêm. Nếu tình huống này xảy ra, không khó để hình dung về quá trình phức tạp và lâu dài của việc thông qua dự luật với chính phủ của bà May.

Dường như đã lường trước sự việc, người phát ngôn của Thủ tướng Anh nói: “Điều quan trọng là chúng tôi sẽ kích hoạt Điều 50 theo đúng lộ trình thời gian mà chúng tôi đã đề ra”.

Trong khi đó, một số chính trị gia cho rằng, người dân không nên kỳ vọng về một khả năng đảo ngược tình thế tại Thượng viện. Ông Paul Nuttall, lãnh đạo đảng Độc lập Vương quốc Anh (UKIP) cảnh báo nguy cơ nước Anh có thể lún sâu vào cuộc khủng hoảng hiến pháp nếu Thượng viện muốn sửa đổi dự luật Brexit. Ông nói: “Tôi không thể dự đoán được mức độ phản ứng kinh khủng như thế nào nếu nền dân chủ của chúng ta bị nhấn chìm theo cách này”.

Tuần trước, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair thúc giục người dân Anh ủng hộ EU hãy “nổi dậy” và thuyết phục những người ủng hộ Brexit đổi ý. Tuy nhiên, người phát ngôn của bà May một lần nữa khẳng định sự thật không thể lay chuyển rằng, sẽ không thể hủy bỏ Điều 50 Hiệp ước Lisbon.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
.
.
.
.
.