.

Anh chật vật bắt đầu tiến trình Brexit

.

Cả Nữ hoàng Elizabeth II lẫn Quốc hội Anh đều lần lượt phê chuẩn dự luật rời Liên minh châu Âu (Brexit) để Thủ tướng Theresa May kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon về EU. Song, chẳng rõ bà May sẽ dẫn dắt tiến trình Brexit như thế nào.

Thủ tướng Theresa May sẽ kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon để bắt đầu tiến trình đàm phán Brexit.						                     Ảnh: AFP
Thủ tướng Theresa May sẽ kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon để bắt đầu tiến trình đàm phán Brexit. Ảnh: AFP

Quốc hội Anh thông qua dự luật Brexit vào đêm 13-3. Đến ngày 16-3, Nữ hoàng Elizabeth II chính thức phê chuẩn dự luật này; theo đó, trao cho Thủ tướng Theresa May toàn quyền quyết định thời điểm kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon về EU để Anh khởi động tiến trình đàm phán rời khỏi khối.

Để có được cái gật đầu của Quốc hội và Nữ hoàng Anh, bà May phải vượt qua chặng đường khó khăn; thậm chí, dự luật Brexit có lúc tưởng như bị “chết yểu” bởi sự bất đồng xen lẫn hoài nghi về một bức tranh xám xịt thời hậu Brexit.

Hãng AFP dẫn lời Thủ tướng May cho biết, cuối tháng 3 này, bà sẽ gửi thư đến Hội đồng châu Âu để thông báo về quyết định của Anh rời khỏi khối theo kết quả cuộc trưng cầu dân ý vào năm ngoái. Thực tế, chữ ký của Nữ hoàng Anh cho phép bà May kích hoạt Điều 50 bất kỳ lúc nào để bắt đầu tiến trình đàm phán giữa Anh và EU dự kiến kéo dài nhiều nhất trong 2 năm.

Thủ tướng May cũng nói rằng, bà sẽ thông báo với các nghị sĩ Anh về việc kích hoạt Điều 50 và trong vòng 48 giờ, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ có phản ứng ban đầu. Lẽ ra, bà May có thể kích hoạt Điều 50 trong tuần này nhưng kế hoạch bị “chệch hướng” do Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon bất ngờ tuyên bố xứ này sẽ tổ chức trưng cầu dân ý lần hai để rời Vương quốc Anh. Theo đó, Scotland muốn độc lập vào cuối năm 2018 hoặc đầu năm 2019. Tuy nhiên, Thủ tướng May cho rằng, động thái này có thể gây chia rẽ, bất ổn và London sẽ đấu tranh để Vương quốc Anh vẫn là một khối, trong đó có Scotland, trong tiến trình đàm phán Brexit.

Trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2014, hơn 55% cử tri Scotland ủng hộ ở lại Vương quốc Anh. Giờ đây, trong các cuộc thăm dò dư luận, với sự thất vọng về London, số người ủng hộ Scotland tách khỏi Vương quốc Anh tăng lên nhưng chưa thể dự đoán được điều gì nếu diễn ra trưng cầu dân ý. Người phát ngôn của EC Margaritis Schinas từng dự đoán rằng, Scotland sẽ phải nộp đơn xin gia nhập EU trở lại nếu cử tri nước này ủng hộ tách khỏi Vương quốc Anh.

Việc Scotland và cả Bắc Ireland đang vận động rời Vương quốc Anh là những rào cản lớn đối với Thủ tướng May. Nếu những trở ngại này không được tháo gỡ thì khó bảo đảm tiến trình Brexit chỉ kéo dài trong 2 năm. Bà May sẽ đến Wales, Scotland và Bắc Ireland nhằm tạo sự đồng thuận trước khi kích hoạt Điều 50. Tất nhiên một tiến trình sẽ được đưa ra để bảo đảm Vương quốc Anh vẫn thống nhất và bảo đảm cuộc chia tay êm thấm, cũng như không làm tổn hại đến các quyền lợi của Anh.

Trong lúc này, dù Anh hoàn toàn được phép kích hoạt Điều 50 nhưng đây mới chỉ là chặng đường đầu tiên. Vấn đề nan giải nhất và cũng là đỉnh điểm khó khăn chính là sự thương lượng giữa Anh với EU sẽ như thế nào trước hàng loạt điều kiện đặt ra để định hình quan hệ giữa xứ sở sương mù với khối gồm 28 thành viên. Nếu không thể tiếp tục hợp tác với EU, không còn được hưởng những đặc quyền như trước, chính phủ Anh đương nhiên phải có một kịch bản khác và câu chuyện Brexit sẽ làm những ngày tháng tới trở nên không êm ả với Thủ tướng May.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.