.

Mỹ hết kiên nhẫn với Triều Tiên

.

Vấn đề CHDCND Triều Tiên tiếp tục được Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đề cập trong chặng dừng chân ở Hàn Quốc ngày 17-3. Ông nói rằng, chính sách “kiên nhẫn chiến lược” của Mỹ với Triều Tiên đã kết thúc và giải pháp quân sự đang được đặt trên bàn nghị sự.
 

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (trái) gặp gỡ người đồng cấp Hàn Quốc Yun Byung-Se. 		                     Ảnh: Reuters
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (trái) gặp gỡ người đồng cấp Hàn Quốc Yun Byung-Se. Ảnh: Reuters

Đúng như dự đoán, vấn đề CHDCND Triều Tiên là nội dung trọng tâm trong suốt chuyến công du châu Á lần đầu tiên của Ngoại trưởng Rex Tillerson. Hàn Quốc - quốc gia đang lo ngại chương trình hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên - là chặng dừng chân thứ hai của ông.

Hãng Reuters cho biết, phát biểu tại cuộc họp báo ở Seoul ngày 17-3, Ngoại trưởng Tillerson nhấn mạnh: “Hãy để tôi nói rõ: chính sách kiên nhẫn chiến lược đã kết thúc. Chúng tôi đang triển khai các biện pháp an ninh và ngoại  giao mới. Mọi sự lựa chọn đang được đặt trên bàn”. Ông Tillerson nói rằng, Mỹ không muốn xung đột quân sự, song các hành động của Bình Nhưỡng đe dọa quốc gia phía nam trên bán đảo Triều Tiên sẽ vấp phải “phản ứng phù hợp”. “Nếu họ gia tăng mối đe dọa từ chương trình vũ khí lên mức độ mà chúng tôi thấy cần thiết phải hành động, khi đó, sự lựa chọn (hành động quân sự) sẽ được thảo luận”, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ nói.

Ông Tillerson cũng gặp gỡ quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn, đến thăm vùng phi quân sự DMZ ở biên giới liên Triều, đồng thời gặp 28.500 binh sĩ Mỹ đang đồn trú.

Trong lúc đó, Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se khẳng định mục tiêu chung của Seoul và Washington là phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên. Tại cuộc họp báo, ông Yun Byung-se cũng nói rằng, hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) mà Mỹ đưa đến Hàn Quốc nhằm phòng vệ trước mối đe dọa từ CHDCND Triều Tiên, chứ không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào khác. Ông Tillerson - cựu lãnh đạo tập đoàn Exxon Mobil và không có kinh nghiệm ngoại giao - bày tỏ hy vọng chính phủ mới của Hàn Quốc sẽ tiếp tục ủng hộ việc triển khai THAAD.

Theo AP, các chính phủ tiền nhiệm của Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn xem xét giải pháp quân sự chống CHDCND Triều Tiên nhưng hiếm khi công khai về phương án này. Còn Tổng thống Trump đang xem xét mọi phương án, trong đó có giải pháp quân sự, để ngừng chương trình vũ khí của CHDCND Triều Tiên trước khi Bình Nhưỡng có tên lửa mang đầu hạt nhân có thể vươn đến Mỹ. Đối với Hàn Quốc, Mỹ muốn trấn an đồng minh và tìm kiếm sự ủng hộ của Seoul đối với THAAD. Song, trọng tâm trong quan điểm của Mỹ chính là Trung Quốc và vai trò của cường quốc châu Á này trong nỗ lực thuyết phục Bình Nhưỡng. Vì vậy, Ngoại trưởng Tillerson mang sứ mệnh lớn trong chặng dừng chân thứ ba ở Bắc Kinh ngày 18-3, dù giới quan sát mô tả chuyến công cán của ông đến 3 nước Đông Bắc Á lần này (Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc) chỉ đơn thuần là “chuyến đi lắng nghe”.

Trung Quốc vốn phản đối việc Mỹ gây áp lực lên Bắc Kinh trong vấn đề CHDCND Triều Tiên. Bắc Kinh khẳng định sẽ làm tất cả những gì có thể nhưng sẽ không có những động thái đe dọa cuộc sống của người dân Triều Tiên. Trung Quốc đã thúc giục Bình Nhưỡng ngừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa; đồng thời nói rằng Mỹ và Hàn Quốc sẽ ngừng tập trận quân sự chung, thay vào đó là đối thoại. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tái khẳng định: Đối thoại là cách tốt nhất để giải quyết các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên.

PHÚC NGUYÊN
 

;
.
.
.
.
.