.

Ngoại trưởng Mỹ "xoay xở" ở châu Á

.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ngày 15-3 bắt đầu công du châu Á với các chặng dừng chân tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, trong lúc khu vực này đang căng thẳng xung quanh vấn đề tên lửa và hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson công du Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc trong 4 ngày.  Ảnh: AP
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson công du Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc trong 4 ngày. Ảnh: AP

Hãng AP dẫn lời giới phân tích bày tỏ quan tâm về những thông điệp mà Ngoại trưởng Rex Tillerson - vốn là cựu lãnh đạo tập đoàn Exxon Mobil và không có kinh nghiệm ngoại giao - mang đến các nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Hợp tác để đối phó với Triều Tiên

Theo AP, trong chuyến công du châu Á đầu tiên kéo dài 4 ngày trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ, ông Tillerson chắc chắn muốn thúc đẩy hợp tác với Tokyo, Seoul và Bắc Kinh để chống lại mối đe dọa tên lửa và hạt nhân của CHDCND Triều Tiên; đồng thời nhấn mạnh chính sách “Nước Mỹ là trên hết” không có nghĩa là Washington sẽ rút lui ngoại giao ở những khu vực bất ổn. Ngoài ra, ông Tillerson sẽ tìm lời giải cho những vấn đề như: Mỹ và Trung Quốc - hai nền kinh tế hàng đầu thế giới - giải quyết những khác biệt đang gia tăng như thế nào.

Hãng AFP cũng nhận định: Trong chuyến công cán của Ngoại trưởng Tillerson, vấn đề CHDCND Triều Tiên là ưu tiên hàng đầu. AFP dẫn lời các quan chức chính phủ Mỹ cho biết, tất cả sự lựa chọn sẽ được đặt lên bàn nghị sự, trong đó có giải pháp quân sự. Hiện có những dấu hiệu cho thấy Mỹ muốn thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng.  

Nhật Bản và Hàn Quốc, nơi có binh sĩ Mỹ đồn trú và trong phạm vi tầm bắn của các tên lửa từ CHDCND Triều Tiên, ủng hộ những nỗ lực của Washington trong việc tăng cường ngoại giao cũng như gây áp lực kinh tế đối với Bình Nhưỡng. Ngày 15-3, hải quân Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ tiến hành các cuộc tập trận chia sẻ thông tin phòng thủ tên lửa ở các vùng biển phía đông của bán đảo Triều Tiên và phía bắc Nhật Bản. Trong khi đó, Trung Quốc miễn cưỡng ủng hộ các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc và thời gian gần đây tuyên bố ngừng nhập than đá từ Bình Nhưỡng nhưng Bắc Kinh vẫn chần chừ về cách ứng xử với CHDCND Triều Tiên - một đồng minh truyền thống.

“Phép thử” uy tín

Đến thủ đô Tokyo vào tối 15-3, Ngoại trưởng Tillerson có thể trấn an các đồng minh về những cam kết của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump. Ngày 16-3, ông Tillerson sẽ gặp gỡ Thủ tướng nước chủ nhà Shinzo Abe và Ngoại trưởng Fumio Kishida.

Sau Tokyo, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ sẽ đến Hàn Quốc, quốc gia hiện rơi vào khủng hoảng chính trị khi Tổng thống Park Geun-hye bị phế truất. Bà Park lúc còn lãnh đạo Nhà Xanh vốn ủng hộ những nỗ lực của Washington trong việc chống lại CHDCND Triều Tiên nhưng người kế nhiệm (có thể là ông Moon Jea-in, cựu Chủ tịch đảng Dân chủ đối lập) lại là người ôn hòa, muốn “mềm dẻo” với Bình Nhưỡng.

Ông Robert Dujarric, Giám đốc Viện Nghiên cứu châu Á đương đại tại Đại học Temple ở Tokyo cho rằng, các đồng minh của Mỹ (Nhật Bản và Hàn Quốc) muốn xác nhận Mỹ sẽ tiếp tục bảo vệ họ nhưng Washington cũng khéo léo trong quan hệ ngoại giao với Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên.

Thực tế, việc ông Trump tiếp quản Nhà Trắng gây lo lắng cho các nước châu Á. Trong chiến dịch tranh cử hồi năm ngoái, ông Trump đề nghị các đồng minh như Nhật Bản và Hàn Quốc đóng góp đủ chi phí cho sự hiện diện của binh sĩ Mỹ, đồng thời cần có vũ khí hạt nhân cho riêng nước mình. Không những thế, vị tỷ phú này cũng hoài nghi về nền tảng trong chính sách ngoại giao suốt 4 thập niên qua của Mỹ với Trung Quốc. Tuy nhiên, Tổng thống Trump hiện phần nào xoa dịu những quan ngại bằng hàng loạt động thái. Chẳng hạn, hồi tháng 3 vừa qua, ông chủ trì cuộc gặp với Thủ tướng Abe tại khu nghỉ mát ở Florida và khi Ngoại trưởng Tillerson đến thủ đô Bắc Kinh vào ngày 18-3 tới sẽ có thể sắp xếp chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Mỹ vào tháng 4 tới.

Theo các nhà quan sát, đến châu Á (cụ thể là khu vực “điểm nóng” Đông Bắc Á) lần này, ông Tillerson phải “xoay xở” hàng loạt vấn đề và đây cũng là “phép thử” uy tín của ông khi giữ cương vị Ngoại trưởng. 6 tuần làm nhà ngoại giao của ông Tillerson quả thật quá ít ỏi để đánh giá ông đứng ở đâu trong hệ thống cấp bậc về chính sách đối ngoại của chính phủ Mỹ. Hơn nữa, giới quan sát cũng hoài nghi rằng, những thông điệp, thậm chí cam kết của ông Tillerson ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc có sức ảnh hưởng gì ở Nhà Trắng không, hay chỉ là lời nói suông của một cựu lãnh đạo doanh nghiệp bất ngờ được ông Trump đưa vào “ghế nóng”.

PHÚC NGUYÊN

 

;
.
.
.
.
.