.

Ngôi trường dành cho phụ nữ lớn tuổi

.

Bà Gangubai đã 65 tuổi nhưng hễ tìm thấy tờ báo cũ, tờ quảng cáo đều cố gắng đánh vần đọc từng chữ một. Gặp phải những từ khó, bà tìm tới những “bạn học cùng xóm” để giúp đỡ. Bà Gangubai thực sự vui khi lần đầu tiên đi học.

Lớp học giúp cho phụ nữ thực hiện ước ao đọc được những quyển sách.
Lớp học giúp cho phụ nữ thực hiện ước ao đọc được những quyển sách.

Bà Gangubai là 1 trong 28 phụ nữ lớn tuổi tại ngôi làng Phangne ở Maharashtra miền tây Ấn Độ bắt đầu tham gia vào “trường học cho phụ nữ lớn tuổi”. Mỗi ngày từ 2 giờ tới 4 giờ chiều, các bà tụ hội trong túp lều tranh, cả thảy đều mặc quần áo màu hồng và mang túi xách. Bà Gangubai bảo: “Đây là cơ hội cho bà và những người cùng tuổi biết đọc và viết. Chúng tôi đi tới trường với niềm vui rất lớn. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình có thể đọc hết được bảng chữ cái”. Không chỉ bà Gangubai mà 27 người phụ nữ lớn tuổi còn lại trong lớp đều không có cơ hội đi học khi còn nhỏ. Lý do đơn giản là các bé gái nhà nghèo phải làm việc nhà: gánh nước, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ, nấu ăn… cho gia đình.

Cô giáo Sheetal More cho biết, phần lớn phụ nữ đều có vấn đề về khả năng tiếp thu nên cô phải rất kiên nhẫn và nhã nhặn. Người gặp trục trặc về thính giác. Người có vấn đề về thị giác. Niềm vui nằm ở chỗ, họ rất chịu khó và đi học đều đặn mỗi ngày. Họ cố gắng đọc bất cứ cái gì có chữ, xem như một cách luyện tập.

Theo kết quả điều tra dân số mới đây nhất của Ấn Độ, 273 triệu người không biết đọc và viết; phụ nữ nhiều hơn nam giới 15%. Chính phủ đã rất nỗ lực phổ cập giáo dục, nhất là cho nữ giới, nhưng những người lớn tuổi lại thất thế quá nhiều so với lớp trẻ.

Một học viên trong lớp học của More tên là Ramabai nói rằng: “Thật là xấu hổ khi tới ngân hàng phải lăn dấu vân tay. Đó là lý do mà tôi rất muốn học để ký được tên mình. Biết đâu, nếu chúng tôi được đi học từ nhỏ thì có thể trở thành bác sĩ rồi cũng hay”. Bà Sheetalbai đã 90 tuổi nhưng vẫn đi học. Bà viết chữ “a” suốt một năm qua vẫn chưa thạo bởi tay bà run và quên sau khi rời lớp học không lâu. Vậy mà bà móm mém nói: “Tôi thích học. Lúc tôi thấy mấy đứa cháu đi học, tôi cũng ức lắm. Giờ thì đã được rồi nhưng phải cố gắng lắm”.

Trường này mở từ tháng 3 năm 2016 bởi giáo viên tiểu học trong làng tên là Yogendra Bangar. Ông cũng là người thực hiện một loạt dự án phát triển trong làng như xây nhà vệ sinh cho các gia đình, hướng dẫn sử dụng nước sạch. Ông nói về lý do mở trường dạy này: “Năm ngoái trong một lễ hội tại làng, có một phụ nữ lớn tuổi bảo rằng ước gì đọc được những quyển sách”. Cô giáo More được ông Yogendra thuyết phục đứng lớp bởi cô cảm thấy lo lắng khi đứng trước người lớn tuổi. Ông bảo cô hãy dạy chữ cho mẹ chồng của cô. Thế là các bà khác tham gia học tập với giấc mơ xóa mù chữ trước khi… lìa đời.

ANH THƯ (Theo Guardian)

;
.
.
.
.
.