.

Anh xoay xở để rời EU

.

Anh đang đối mặt với hàng loạt khó khăn trong tiến trình đàm phán để rời Liên minh châu Âu (EU), nhất là khi liên minh này thể hiện lập trường cứng rắn. Bộ trưởng Brexit của Anh David Davis cho rằng, thỏa hiệp là điều cần thiết cho cả Anh lẫn EU.

Lần đầu tiên Thủ tướng Anh Theresa May gặp gỡ Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker (bìa trái) kể từ khi bà kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon.  Ảnh: AFP
Lần đầu tiên Thủ tướng Anh Theresa May gặp gỡ Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker (bìa trái) kể từ khi bà kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon. Ảnh: AFP

Ngày 26-4, các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Thủ tướng Anh Theresa May và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker cùng Trưởng đoàn đàm phán của EU về vấn đề Brexit Michel Barnier lần đầu diễn ra tại thủ đô London. Hãng AFP cho biết, EU đang thể hiện quan điểm cứng rắn về chiến lược, trong đó đưa ra yêu cầu mới xung quanh các dịch vụ tài chính, vấn đề nhập cư và cả “những hóa đơn” mà Anh phải giải quyết trước khi chấm dứt “cuộc hôn phối” kéo dài 44 năm với liên minh.

Nội dung dự thảo đường hướng đàm phán, đã được ông Barnier và các nhà ngoại giao châu Âu thống nhất, đề cập việc 27 nước thành viên EU muốn Anh chịu trách nhiệm về những chi phí của khối trong ít nhất 1 năm sau khi vương quốc này rời EU năm 2019. EU xem việc bảo vệ quyền lợi của công dân châu Âu tại Anh (và công dân Anh tại EU) là một trong 3 ưu tiên hàng đầu; đồng thời sẽ tìm cách bảo đảm quyền được hưởng quy chế cư trú thường xuyên cho những người đã sinh sống hợp pháp 5 năm ở Anh. Tuy nhiên, yêu cầu này là một thách thức đối với chính phủ của Thủ tướng May, vốn cam kết hạn chế nhập cư.

EU cũng khẳng định bất kỳ thỏa thuận thương mại tự do nào trong tương lai cho phép Anh tiếp tục tiếp cận các thị trường EU sẽ đều yêu cầu London tôn trọng những tiêu chuẩn về quản lý và giám sát của EU. Bà May cam kết đưa đất nước bà ra khỏi thị trường duy nhất của châu Âu nhằm chấm dứt việc công dân EU tự do vào Anh nhưng vị nữ Thủ tướng này lại muốn hình thành một đối tác mới với khối. “Chúng ta sẽ đối mặt với những vấn đề khó khăn. Thỏa thuận là cần thiết cho cả hai phía. Chúng ta đều biết điều này”, Bộ trưởng Brexit của Anh David Davis phát biểu tại London ngày 26-4.

Các nhà lãnh đạo của 27 thành viên EU sẽ nhóm họp vào ngày 29-4 tới tại Brussels (Bỉ), mặc dù đàm phán chính thức về vấn đề Brexit chưa diễn ra cho đến tháng 6.

Thực tế, sau khi kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon về EU hồi tháng trước, Thủ tướng May muốn “dọn đường” cho các cuộc đàm phán Brexit nên đã kêu gọi bầu cử sớm vào ngày 8-6 tới, trong lúc các thăm dò cho thấy đảng Bảo thủ của bà sẽ gia tăng đa số ghế ở Quốc hội, thay vì chỉ chiếm đa số mỏng manh hiện nay. Trong những tuần gần đây, bà May thương thảo với các nhân vật cấp cao của EU, trong đó có Chủ tịch Nghị viện châu Âu Antonio Tajani và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk. Người phát ngôn của bà lạc quan khi các quan chức này đến thăm London, đồng thời cho rằng điều này cho thấy Anh “sẽ tiếp cận đàm phán một cách xây dựng và với thiện chí”.

Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn báo Die Welt (Đức), Cao ủy EU Elzbieta Bienkowska cảnh báo, Anh “không thể có mọi thứ khi kết thúc. Họ không thể có chiếc bánh và ăn nó”.

Phó Giám đốc Công ty cố vấn chiến lược Hanbury, Nina Schick, cho rằng quan điểm cứng rắn của EU không gây ngạc nhiên bởi cả liên minh này lẫn Anh đều muốn tái khẳng định vị trí của mình trong các cuộc đàm phán ở nhà số 10 phố Downing. Riêng các hóa đơn mà London sẽ phải thanh toán khi rời EU là một trong số các hồ sơ nhạy cảm nhất trong tiến trình đàm phán. Ước tính khoản chi phí này là 60 tỷ USD và Anh sẽ không dễ nhượng bộ.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.