.

Bầu cử Quốc hội sớm Quyết định bất ngờ của Thủ tướng Anh

.

Thủ tướng Anh Theresa May đã làm các đồng minh và phe đối lập ngạc nhiên khi công bố kế hoạch bầu cử Quốc hội sớm vào ngày 8-6 tới, thay vì chờ đến năm 2020.

Thủ tướng Theresa May nói rằng, bầu cử sớm là cần thiết để đạt được “sự chắc chắn và ổn định” cho nước Anh. 				Ảnh: AP
Thủ tướng Theresa May nói rằng, bầu cử sớm là cần thiết để đạt được “sự chắc chắn và ổn định” cho nước Anh. Ảnh: AP

Ngày 19-4, Thủ tướng Theresa May cho rằng, việc bầu cử Quốc hội sớm sẽ giúp bà tránh được tình huống cùng lúc phải đương đầu với 2 vấn đề lớn trong cả lĩnh vực đối nội và đối ngoại: vừa lo cuộc tổng tuyển cử trong nước, vừa tham gia các cuộc đàm phán căng thẳng Brexit với Liên minh châu Âu (EU). Bà May cũng cho biết, bà cần một ban lãnh đạo vững vàng trong quá trình đàm phán Brexit.

Lập luận nói trên của bà May cũng như quyết định bất ngờ về chuyện tổ chức bầu cử sớm, được cho là bắt nguồn từ việc chính phủ tính toán rằng, việc kết thúc các phiên đàm phán liên quan Điều 50 Hiệp ước Lisbon để nước Anh rời EU khó có đạt được trước hạn cuối là tháng 3-2019.

Trong khi đó, nếu được Quốc hội phê chuẩn, việc tổ chức bầu cử sớm sẽ giúp bà May không phải đối mặt với các cử tri cho đến năm 2022, tạo cho bà khoảng thời gian đủ rộng rãi để theo đến cùng những cuộc thương lượng Brexit.

Trả lời phỏng vấn đài BBC ngày 19-4, cũng là ngày Hạ viện Anh bỏ phiếu về đề nghị bầu cử sớm của bà May, nhà lãnh đạo này nói: “Nếu quý vị nhìn vào lịch trình dự kiến, cuộc bầu cử diễn ra năm 2020 thì cũng là lúc chúng ta sẽ tiến tới giai đoạn đàm phán thiết yếu nhất, giai đoạn cuối cùng của những cuộc thương lượng và như vậy chúng ta sẽ phải chạy đua với thời gian”. Bà May cũng nói: “Tôi tin việc này (bầu cử sớm) sẽ giúp chúng ta mạnh mẽ hơn trong các cuộc đàm phán”.

Quyết định đề nghị bầu cử Quốc hội sớm vào ngày 8-6 tới rõ ràng là động thái đảo chiều bất ngờ của Thủ tướng Theresa May. Bà từng tuyên bố sẽ không có chuyện bầu cử sớm trước khi Quốc hội hiện nay kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2020. Giờ đây, để biện minh cho sự thay đổi lập trường, bà nói rằng, việc bầu cử sớm là cần thiết để đạt được “sự chắc chắn và ổn định” cho nước Anh trước khi tiến hành các cuộc đàm phán Brexit. Bà lo ngại sự chia rẽ trong Quốc hội đe dọa tiến trình Brexit.

Theo luật mới ở Anh, để đề xuất bầu cử sớm của bà May được thông qua, phải có ít nhất 2/3 số nghị sĩ trong Quốc hội bỏ phiếu thuận. Đảng bảo thủ của bà May hiện giữ 330 ghế trong tổng số 650 ghế ở Quốc hội. Trong khi đó, đảng đối lập chính Lao động giữ 229 ghế. Các thăm dò ngày 19-4 cho thấy phần đông nghị sĩ Anh ủng hộ kế hoạch bầu cử sớm.

Trong khi đó, 3 cuộc thăm dò dư luận gần đây nhất cho thấy, đảng Bảo thủ của bà May đang nhận được sự ủng hộ nhiều hơn so với đảng Lao động khi dẫn trước 20 điểm % tỷ lệ ủng hộ. Bản thân bà May cũng đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ người dân Anh.

Chuyên gia phân tích tại CMC Markets, ông Michael Hewson cho rằng, việc tổ chức bầu cử sớm cũng có thể giúp bà May “làm nhạt bớt ảnh hưởng của những phần tử cực đoan hơn ngay trong chính nội bộ đảng Bảo thủ của bà đối với tiến trình Brexit”. Đảng đối lập Lao động cũng cho biết, họ ủng hộ bầu cử sớm. Trong khi đó, Thủ hiến Scotland, bà Nicola Sturgeon nói rằng, bà May đã mắc phải “một tính toán sai lầm lớn về chính trị”.

Nếu Quốc hội thông qua đề nghị bầu cử sớm, cơ quan lập pháp này sẽ giải tán từ ngày 3-5 và chiến dịch vận động tranh cử sẽ chính thức bắt đầu. Hơn nữa, bầu cử sớm cũng đánh dấu thêm một trong những biến động lớn của chính trường Anh chỉ trong một thời gian ngắn: 2 cuộc trưng cầu dân ý lịch sử về Brexit và vấn đề độc lập của Scotland, việc Thủ tướng David Cameron từ chức và sắp tới là cuộc bầu cử sớm.

Ngày 19-4, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) Margaritis Schinas cho rằng, các cuộc đàm phán “chính trị thật sự” về vấn đề Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu - EU) sẽ bắt đầu sau cuộc bầu cử sớm vào tháng 6. Theo ông Schinas, tuyên bố gây sốc của Thủ tướng Anh Theresa May về việc tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn không làm hoãn các cuộc đàm phán, vốn dự kiến bắt đầu vào tháng 6 tới.

Trong khi đó, người phát ngôn Preben Aamann, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nói rằng, Brussels không muốn lịch trình đàm phán Brexit bị ảnh hưởng bởi cuộc bầu cử sớm ở Anh.

Các nhà quan sát gọi việc kêu gọi tổng tuyển cử sớm là bước đi khôn ngoan của bà May. Trong khi đó, theo CNN, bà May - người trở thành Thủ tướng, kế nhiệm ông David Cameron sau cuộc trưng cầu dân ý về Brexit mà không qua bầu cử - muốn tìm kiếm thế mạnh mẽ hơn trong các cuộc đàm phán Brexit. Song, đảng của bà nắm đa số khá mong manh trong Quốc hội, còn phe đối lập tìm cách làm “chệch hướng” con đường của nữ lãnh đạo này trong vấn đề Brexit.

THIÊN BÌNH

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
.
.
.
.
.