.

Căng thẳng Mỹ - Triều Tiên: Chưa bên nào "dịu giọng"

.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tiếp tục kêu gọi Mỹ và CHDCND Triều Tiên tìm kiếm giải pháp hòa bình để giải quyết căng thẳng leo thăng giữa hai bên.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence (trái) gặp gỡ Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Tokyo ngày 18-4. Ông Pence nói rằng, sự kiên nhẫn chiến lược với CHDCND Triều Tiên đã hết và mọi lựa chọn “đã được đặt trên bàn”.			        Ảnh: Reuters
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence (trái) gặp gỡ Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Tokyo ngày 18-4. Ông Pence nói rằng, sự kiên nhẫn chiến lược với CHDCND Triều Tiên đã hết và mọi lựa chọn “đã được đặt trên bàn”. Ảnh: Reuters

Phát biểu trong cuộc họp báo tại thủ đô Bắc Kinh ngày 18-4, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thúc giục tất cả các bên liên quan nỗ lực tìm giải pháp hòa bình cho những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên; đồng thời khẳng định đây là giải pháp duy nhất.

Hãng Reuters cho biết, lời kêu gọi của Ngoại trưởng Vương Nghị được đưa ra một ngày sau khi Phó Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc Kim In-Ryong tuyên bố: Bình Nhưỡng sẵn sàng phản ứng trước “mọi hình thức chiến tranh” do những hành động quân sự mà Mỹ gây ra. Ông Kim In-Ryong cũng không úp mở gì chuyện CHDCND Triều Tiên sẽ tiến hành thử hạt nhân lần thứ 6 như đã thông báo nhưng không tiết lộ thời gian và địa điểm thực hiện vụ thử này.

Về phía Mỹ, báo New York Times cho rằng, Nhà Trắng vẫn đang cân nhắc cách ứng phó có tính toán, cho phép chính phủ Trung Quốc có thêm thời gian để chứng tỏ Bắc Kinh có thực sự muốn giúp Mỹ trong việc kiềm chế quốc gia láng giềng Triều Tiên không. Ông Trump không ngần ngại bày tỏ ý đồ “ngã giá” với Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên khi tỏ ý hứa hẹn về những thỏa thuận thương mại tốt cho cả hai bên nếu Bắc Kinh giúp Mỹ kiểm soát ổn thỏa chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng. Đây cũng là điều mà nhiều cựu quan chức, thuộc cả đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa, đều tỏ ra quan ngại trước những tín hiệu cho thấy có thể ông Trump đang hành xử hoàn toàn khác so với chính sách đối ngoại của Mỹ với Trung Quốc vốn đã thực thi trong vài thập niên qua.

Thực tế, Mỹ vẫn quan niệm giải quyết tốt vấn đề Triều Tiên không chỉ có lợi cho cường quốc này, mà đồng thời có lợi cho Trung Quốc. Do đó, các chính phủ tiền nhiệm luôn chủ động tách bạch vấn đề CHDCND Triều Tiên với các vấn đề khác để không bị lôi kéo vào việc phải nhượng bộ Trung Quốc về kinh tế hay một vấn đề nào khác.

Giới chức Mỹ bày tỏ hy vọng Trung Quốc sẽ đóng vai trò tích cực hơn trong việc gây áp lực với Triều Tiên. Nếu chiến lược này có hiệu quả, có lẽ Mỹ chưa cần giải pháp quân sự vốn đã được đặt lên bàn cân nhắc.

Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 17-4 (giờ Washington), Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer cho biết: “Có rất nhiều điểm về kinh tế và chính trị mà tôi nghĩ Trung Quốc có thể vận dụng. Việc Trung Quốc ra lệnh các hãng từ chối tiếp nhận các tàu chở than của CHDCND Triều Tiên những ngày qua là một minh chứng cho thấy thái độ cứng rắn hơn của họ với quốc gia láng giềng. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý chính phủ Trung Quốc đã quyết định dừng nhập khẩu than của CHDCND Triều Tiên ngay từ trước khi ông Tập Cận Bình có cuộc gặp với ông Donald Trump ở khu Mar-a-Lago, bang Florida”.

Chính phủ Mỹ đã chuẩn bị thêm các biện pháp trừng phạt CHDCND Triều Tiên, từ việc cấm đường bay tới Mỹ với hãng hàng không quốc gia của họ, đến cấm xuất khẩu hải sản. Nhà Trắng cũng đã xem xét khả năng trừng phạt các ngân hàng của Trung Quốc có giao dịch với CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên, Mỹ vẫn chưa “ra tay” vì lo ngại có thể chọc giận Trung Quốc, và họ đang chờ xem Bắc Kinh sẽ hành xử như thế nào.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, rất ít lệnh trừng phạt đơn phương có khả năng thay đổi được hành xử của CHDCND Triều Tiên. Vậy nên, mặc dù Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence nói rằng, thời đại “kiên nhẫn chiến lược” của Washington với CHDCND Triều Tiên đã hết, nhưng thực tế chính phủ của Tổng thống Trump vẫn rơi vào trạng thái chờ đợi không khác gì so với chính phủ tiền nhiệm.

Cùng với đó, chính Phó Tổng thống Mỹ cũng để ngỏ khả năng ông muốn đối thoại mở với chính phủ CHDCND Triều Tiên, lưu ý rằng Washington cũng đang tìm kiếm một giải pháp an ninh “thông qua các biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại”.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
.
.
.
.
.