.
CĂNG THẲNG MỸ - TRIỀU TIÊN

Nguy cơ xảy ra "tấn công siêu mạnh"

.

Báo chí CHDCND Triều Tiên cảnh báo về một cuộc “tấn công siêu mạnh” không chỉ nhằm vào lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc mà còn lục địa Mỹ.

Cuối tuần trước, CHDCND Triều Tiên tổ chức duyệt binh quy mô lớn với sự xuất hiện của gần 60 tên lửa.  					                   Ảnh: AFP
Cuối tuần trước, CHDCND Triều Tiên tổ chức duyệt binh quy mô lớn với sự xuất hiện của gần 60 tên lửa. Ảnh: AFP

Cảnh báo của báo chí CHDCND Triều Tiên được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói rằng, Washington đang tìm cách gây áp lực đối với CHDCND Triều Tiên xung quanh chương trình hạt nhân của nước này. Cảnh báo cũng được đưa ra trong lúc có những quan ngại về việc Bình Nhưỡng có thể tiến hành thử hạt nhân lần thứ 6. Báo Rodong Sinmun của Đảng Lao động Triều Tiên nhấn mạnh: Trong trường hợp tiến hành cuộc “tấn công siêu mạnh” sẽ quét sạch hoàn toàn và ngay lập tức không những lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc mà còn khu vực xung quanh và lục địa Mỹ, thậm chí biến những khu vực này “thành tro bụi”.

CHDNCD Triều Tiên thường dọa phá hủy Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ. Sau sự kiện duyệt binh quy mô lớn ở thủ đô Bình Nhưỡng hồi cuối tuần trước và vụ thử tên lửa thất bại ngày 16-4 vừa qua, Bình Nhường dường như tỏ ra không dè dặt khi lên tiếng đe dọa Mỹ và các đồng minh của Washington.

Tổng thống Mỹ Donald Trump vốn có quan điểm cứng rắn với CHDCND Triều Tiên. Cấp phó của ông, Phó Tổng thống Mike Pence đang có chuyến công du 4 nước châu Á để tìm giải pháp đối phó Bình Nhưỡng. Ông Pence liên tiếp nói rằng, “thời đại kiên nhẫn chiến lược” với CHDCND Triều Tiên đã hết. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan trong chuyến thăm London (Anh) cũng cho rằng, giải pháp quân sự phải là một phần trong việc áp lực lên Bình Nhưỡng. Ông Ryan muốn “bắt tay” với Trung Quốc để giảm căng thẳng với Bình Nhưỡng nhưng lại khẳng định không thể chấp nhận việc quốc gia phía bắc trên bán đảo Triều Tiên có thể tấn công các nước khác bằng vũ khí hạt nhân.

Việc Mỹ điều động nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson đến bán đảo Triều Tiên được cho là một trong những động thái cứng rắn của chính phủ Tổng thống Trump trong việc đối phó với Bình Nhưỡng, đồng thời cảnh báo một cuộc “tấn công phủ đầu” do Washington tiến hành. Song đến nay, nhóm tàu này vẫn chưa hiện diện tại bán đảo Triều Tiên. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis xác nhận lịch trình của tàu USS Carl Vinson đã được điều chỉnh và khẳng định hạm đội đang trên đường đến khu vực này.

Trong lúc đó, gặp gỡ các quan chức hàng đầu của Hàn Quốc tại thủ đô Seoul ngày 20-4, quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hwang Kyo-ahn một lần nữa kêu gọi quân đội và các cơ quan an ninh duy trì cảnh giác. Hiện lực lượng không quân Hàn Quốc và Mỹ tiến hành tập trận thường niên, kéo dài đến ngày 28-4. Song, CHCDND Triều Tiên luôn cho rằng, các cuộc diễn tập quân sự như thế thực chất là động thái chuẩn bị cho sự xâm lược. Hàn Quốc cũng đã hoàn tất tiến trình cấp đất làm nơi triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ, theo đó sẽ cho phép lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc xúc tiến triển khai THAAD.

Hãng Reuters cũng cho biết, Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đang thu xếp cuộc gặp giữa các trưởng đoàn đàm phán 6 bên của 3 nước về phi hạt nhân hóa Triều Tiên vào tuần tới ở thủ đô Tokyo.

Ngày 20-4, phát biểu tại Đại học Tsinghua ở thủ đô Bắc Kinh trong chuyến công du Trung Quốc, Cao ủy về chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini bày tỏ quan ngại về căng thẳng đang gia tăng xung quanh chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Bà Mogherini nói rằng, Trung Quốc và châu Âu có trách nhiệm chung trong việc tránh leo thang quân sự trên bán đảo Triều Tiên. Theo đó, bà sẽ bàn thảo về vấn đề CHDCND Triều Tiên với các quan chức Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi Trung Quốc dùng ảnh hưởng của nước này để gây áp lực buộc CHDCND Triều Tiên ngừng chương trình hạt nhân và tên lửa. Song, Bình Nhưỡng vẫn tiến hành các vụ thử tên lửa và có thể thử hạt nhân lần thứ 6, bất chấp những cảnh báo của Bắc Kinh.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.