.

Ngoại trưởng Mỹ mang "tối hậu thư" đến Nga

.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói rằng, Nga phải lựa chọn: hoặc liên minh với Mỹ, hoặc “bắt tay” với Tổng thống Syria Bashar al-Assad, Iran và nhóm chiến binh Hezbollah. Ngày 11-4, ông Tillerson đến Nga.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (bìa phải) tham dự cuộc họp các Ngoại trưởng G7 trước khi đến Nga.  Ảnh: AFP
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (bìa phải) tham dự cuộc họp các Ngoại trưởng G7 trước khi đến Nga. Ảnh: AFP

Sau cuộc họp khẩn với Ngoại trưởng nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) tại thành phố Lucca của Ý, ông Rex Tillerson đến thủ đô Mátxcơva. Nhà ngoại giao này cho biết, vẫn chưa rõ Nga có tuân thủ nghiêm túc việc loại bỏ vũ khí hóa học của Syria hay không nhưng khẳng định sẽ không để xảy ra vụ việc tương tự vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học ở thị trấn Khan Sheikhoun, thuộc tỉnh Idlib hôm 4-4, làm 86 người chết. Ông Tillerson mang “tối hậu thư” đến Mátxcơva rằng, hoặc Nga lựa chọn liên minh với Mỹ và những nước khác có cùng quan điểm về vấn đề Syria, hoặc “bắt tay” với Tổng thống Syria Bashar al-Assad, Iran và nhóm chiến binh Hezbollah. Hãng AP dẫn lời ông Tillerson nhấn mạnh vai trò quan trọng của Nga trong vấn đề Syria.

Theo AP, kể từ khi Mỹ tiến hành cuộc không kích nhằm vào lực lượng của Tổng thống Assad nhằm trả đũa vụ tấn công bằng vũ khí hóa học nói trên, các quan chức của chính phủ Tổng thống Donald Trump đã đưa ra nhiều thông điệp khác nhau về số phận của nhà lãnh đạo Syria. Ngoại trưởng Tillerson cho rằng, các cuộc đối thoại về ngừng bắn được Nga và Iran hậu thuẫn diễn ra ở thủ đô Astana của Kazakhstan nếu thành công có thể tạo ra nền tảng cho việc chuyển tiếp chính trị tại Syria. Điều này dẫn đến các cuộc đàm phán chính trị sẽ diễn ra sau đó dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc tại Geneva (Thụy Sĩ). “Đến nay, Astana vẫn chưa đạt được nhiều tiến triển”, ông Tillerson nói.

Sau khi vụ tấn công xảy ra ở thị trấn Khan Sheikhoun, áp lực đè nặng lên Nga, đồng minh lớn nhất của Tổng thống Assad. Mỹ và các nước khác cho rằng, Nga phải chịu trách nhiệm về cái chết của dân thường nhưng Mátxcơva bác bỏ cáo buộc này. Điều đáng nói là kết luận sơ bộ của Mỹ công bố ngày 10-4 được một quan chức cấp cao Mỹ (giấu tên) dẫn lời khẳng định Nga biết trước vụ tấn công bằng vũ khí hóa học. Dù Washington không có bằng chứng về sự liên quan của Nga nhưng cáo buộc này vẫn “treo lơ lửng” trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Tillerson.

Hãng Reuters cho hay, tại Mátxcơva, ông Tillerson gặp gỡ người đồng cấp Nga Sergei Lavrov và có thể gặp Tổng thống Vladimir Putin. Song, Điện Kremlin từ chối xác nhận việc ông Tillerson có gặp Tổng thống Putin hay không. Mỹ muốn giảm thiểu sự kỳ vọng về chuyến thăm hoặc khả năng Washington sẽ nhượng bộ Nga trong việc ủng hộ ông Assad. Thay vào đó, cường quốc hàng đầu thế giới muốn dùng chuyến thăm đầu tiên của một quan chức trong chính phủ Donald Trump đến Nga để đưa ra những mong đợi và sau đó sẽ cho Mátxcơva thời gian thực hiện.

Hiện Mỹ, Anh, Đức, Canada kêu gọi Tổng thống Putin cắt đứt quan hệ với Tổng thống Assad và ngừng hỗ trợ quốc gia Trung Đông này trong cuộc chiến chống khủng bố. Anh và Canada khẳng định, các biện pháp trừng phạt tài chính đối với Nga xung quanh việc sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 có thể gia tăng nếu Mátxcơva tiếp tục ủng hộ Tổng thống Assad. Tuy nhiên, tại thành phố Lucca, Ngoại trưởng Ý Angelino Alfano ngày 11-4 nói rằng, những người đồng cấp G7 không thống nhất về các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Tổng thống Assad hay đồng minh Nga của ông.

Trong lúc đó, Nga yêu cầu một cuộc điều tra quốc tế khách quan về vụ việc được cho là sử dụng vũ khí hóa học tại thị trấn Khan Sheikhoun.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.