.

Nguy cơ xung đột trên bán đảo Triều Tiên

.

Trung Quốc cho rằng, nguy cơ xung đột trên bán đảo Triều Tiên có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Bắc Kinh kêu gọi các bên ngừng khiêu khích và nối lại đối thoại.

Nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ đang trên đường đến bán đảo Triều Tiên. 				        Ảnh: AFP
Nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ đang trên đường đến bán đảo Triều Tiên. Ảnh: AFP

Ngày 14-4, phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Bắc Kinh, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng, không ai chiến thắng trong cuộc xung đột vũ trang giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên xung quanh các chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Theo ông, xung đột vũ trang có thể xảy ra bất kỳ lúc nào nếu các bên thiếu kiềm chế, đồng thời nhấn mạnh việc Bắc Kinh cam kết ủng hộ đối thoại.

Hãng AP cho biết, phát biểu của Ngoại trưởng Vương Nghị là nỗ lực mới nhất của Trung Quốc, đồng minh lớn nhất của CHDCND Triều Tiên, nhằm “hạ nhiệt” căng thẳng. Bắc Kinh lo ngại xung đột xảy ra trên bán đảo Triều Tiên sẽ dẫn đến làn sóng tị nạn và sự hiện diện của quân đội Mỹ cũng như Hàn Quốc ở biên giới. “Khi chiến tranh thật sự xảy ra sẽ không mang lại kết quả nào nhưng sẽ mất nhiều. Không ai có thể trở thành người chiến thắng”, ông Vương Nghị phát biểu trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault. Theo đó, ông Vương Nghị kêu gọi tất cả các bên ngừng khiêu khích và đe dọa lẫn nhau bằng cả hành động lẫn lời nói, đồng thời không để tình hình trở nên “không thể khắc phục và không kiểm soát được”.

Theo AFP, thông điệp mà Ngoại trưởng Vương Nghị đưa ra nhằm vào Mỹ bởi Washington trước đó tuyên bố sẽ đơn phương hành động mà không cần sự hỗ trợ của Trung Quốc. AFP dẫn lời một cố vấn chính sách ngoại giao của Nhà Trắng ngày 14-4 xác nhận việc Mỹ đang xem xét phương án quân sự nhằm đáp trả chương trình vũ khí của CHDCND Triều Tiên. Phía Mỹ cũng cho rằng, việc Bình Nhưỡng tiếp tục thử tên lửa hay hạt nhân là điều có thể xảy ra bởi có những thông tin về hoạt động tại bãi thử ở CHDCND Triều Tiên trước thềm lễ kỷ niệm 105 năm ngày sinh cố lãnh đạo Kim Nhật Thành.

Song, thông điệp của ông Vương Nghị còn dành cho cả CHDCND Triều Tiên, bởi nhà ngoại giao này cho rằng, “ai gây ra xung đột trên bán đảo Triều Tiên thì sẽ phải nhận trách nhiệm lịch sử và trả giá”.
Căng thẳng giữa Washington và Bình Nhưỡng trở lại dưới thời Tổng thống Mỹ Harry Truman và Chiến tranh Triều Tiên năm 1950-1953. Chiến tranh Triều Tiên đã kết thúc bằng cuộc đình chiến, chứ không phải bằng hiệp ước hòa bình. Tuy nhiên, giờ đây, bán đảo Triều Tiên “nóng” lại dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Thực tế, hành động của Tổng thống Trump trong quyết định tấn công bằng 59 tên lửa hành trình Tomahawk vào căn cứ không quân Syria hồi tuần trước và thả một quả bom GBU-43, còn được gọi là “mẹ của các loại bom” xuống khu vực phía đông Afghanistan ngày 13-4 nhằm vào cơ sở của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cho thấy việc ông không ngại dùng vũ lực. “CHDCND Triều Tiên là một vấn đề, vấn đề sẽ được lưu ý”, ông Trump nói sau khi bom GBU-43 được thả. Nhà phân tích Tiffany Ma thuộc Cục Quốc gia nghiên cứu châu Á có trụ sở tại Washington D.C (Mỹ) cũng nhận định: Ông Trump đã hết kiên nhẫn trong vấn đề CHDCND Triều Tiên. Ông từng nhiều lần tuyên bố sẽ ngăn chặn Bình Nhưỡng phát triển tên lửa đạn đạo có khả năng vươn đến Mỹ. Chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng cũng là chủ đề chính trong cuộc thảo luận giữa ông Trump và người tiền nhiệm Barack Obama sau cuộc bầu cử hồi tháng 11-2016.

Ngày 11-4, trên Twitter, ông Trump viết: “Nếu Trung Quốc quyết định giúp đỡ thì sẽ rất tốt. Nếu không, chúng tôi sẽ giải quyết vấn đề mà không cần họ”. AFP cho rằng, cây gậy thường đồng hành với củ cà rốt, cụ thể là ông Trump nhấn mạnh: “Tôi đã giải thích với Chủ tịch Trung Quốc rằng, một thỏa thuận thương mại với Mỹ sẽ tốt hơn cho họ nếu họ giải quyết vấn đề CHDCND Triều Tiên”.

Tuy nhiên, cũng theo AFP, Nhà Trắng biết rằng, việc tấn công CHDCND Triều Tiên sẽ “phức tạp hơn” tấn công Syria. Một cuộc tấn công của Mỹ nhằm vào Triều Tiên có thể dẫn đến sự đáp trả nhằm vào các đồng minh hoặc lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc, Nhật Bản.

Hôm nay (15-4), Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence bắt đầu chuyến công cán kéo dài 10 ngày đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương và vấn đề CHDCND Triều Tiên sẽ được đặt trên bàn nghị sự khi ông lần lượt có mặt ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Úc. Trong đó, trừ Indonesia, Mỹ có hiệp ước bắt buộc trong việc bảo vệ những nước này.

Ngày 14-4, Nga tuyên bố ủng hộ các biện pháp ngoại giao để giải quyết các vấn đề khủng hoảng, trong đó có vấn đề CHDCND Triều Tiên; đồng thời kêu gọi các bên liên quan kiềm chế.

Trong lúc đó, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, từ năm 2018, Seoul sẽ thuê nhiều vệ tinh do thám quân sự của nước ngoài và tăng cường khả năng chiến đấu để đối phó với các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa từ CHDCND Triều Tiên.

Về phía Nhật Bản, Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) đã họp bàn về cách sơ tán gần 60.000 công dân khỏi Hàn Quốc trong trường hợp xảy ra khủng hoảng. Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói rằng, chính phủ Tokyo luôn thu thập và phân tích thông tin về các động thái của CHDCND Triều Tiên nhưng ông không tiết lộ chi tiết.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.