.

Trước thềm bầu cử tổng thống: Pháp lo ngại an ninh

.

Vụ tấn công tại đại lộ Champs-Elysees, trung tâm thủ đô Paris đêm 20-4, làm 1 cảnh sát thiệt mạng, phủ bóng lên cuộc bầu cử tổng thống Pháp. Hiện quốc gia châu Âu này được đặt trong tình trạng khẩn cấp, ở mức báo động cao nhất có thể.

An ninh được thắt chặt trên khắp nước Pháp. 				Ảnh: AFP
An ninh được thắt chặt trên khắp nước Pháp. Ảnh: AFP

Vụ nổ súng xảy ra vào đêm 20-4 tại đại lộ Champs-Elysees, làm tổng cộng 2 người chết, gồm 1 nghi phạm và 1 cảnh sát; đồng thời làm 2 người khác bị thương. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã tuyên bố nhận trách nhiệm. Các quan chức Pháp cũng đang truy lùng nghi can thứ hai.

Vụ việc nói trên khiến người dân Pháp bất an. Trước đó, giới chức Pháp bắt giữ 2 thanh niên ở thành phố miền nam Marseille, với cáo buộc âm mưu tiến hành một vụ tấn công trong cuộc bầu cử tổng thống vòng 1 vào ngày 23-4 tới.

Hãng AFP cho biết, trong cuộc họp khẩn cấp với các quan chức an ninh ngày 21-4, Thủ tướng Pháp Bernard Cazeneuve tuyên bố huy động toàn bộ lực lượng an ninh, trong đó có cả các đơn vị tinh nhuệ, để bảo đảm an toàn cho người dân trong suốt thời gian diễn ra bầu cử tổng thống. “Chúng ta không được phép thỏa hiệp với nỗi sợ hãi, sự hăm dọa và sự thao túng mà kẻ thù đang nắm trong tay”, ông Cazeneuve nói với báo giới.

Với vụ tấn công mới nhất này, người dân Pháp có thể chú ý đến các nội dung an ninh quốc gia trong chiến dịch tranh cử của các ứng viên hơn. Theo đó, hai ứng viên Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) Marine Le Pen và cựu Thủ tướng Francois Fillon, vốn có quan điểm cứng rắn trong vấn đề an ninh và nhập cư, có thể tạo sự cộng hưởng mạnh mẽ hơn đối với một số cử tri.

Tuy nhiên, theo AFP, các vụ tấn công xảy ra trước thềm các cuộc bầu cử (chẳng hạn các vụ tấn công ở Paris vào tháng 11-2015, trước thềm bầu cử khu vực; vụ xả súng ở một trường học Do Thái trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2012) dường như không làm thay đổi những lá phiếu. Vụ tấn công xảy ra hồi tháng 2 vừa qua tại Bảo tàng Louvre, thủ đô Paris, cũng không có tác động rõ ràng đến các cuộc thăm dò dư luận, vốn luôn cho thấy cử tri xem tình trạng thất nghiệp và sự tin cậy của các chính trị gia mới là những vấn đề lớn.

Đối với bà Le Pen, an ninh và nhập cư là một phần cốt lõi trong chương trình tranh cử. Bà muốn thắt chặt kiểm soát biên giới nước Pháp, xây dựng thêm các nhà tù; đồng thời cho rằng các nhà chức trách không nỗ lực đủ để bảo vệ người dân khỏi các vụ tấn công như vụ việc đêm 20-4.

Trong khi đó, ứng cử viên độc lập Emmanuel Macron, từng làm Bộ trưởng Kinh tế từ năm 2014-2016, cho rằng những giải pháp không đơn giản như bà Le Pen nói. “Tôi nghe bà Le Pen thời gian gần đây nhắc lại rằng, với sự điều hành của bà, chắc chắn có thể tránh được các vụ tấn công. Không có việc rủi ro bằng 0 như thế”, ông Macron phát biểu với đài RLT.

Hãng Reuters dẫn lời ông Macron rằng, nước Pháp không nên sợ hãi, các ứng cử viên nên tránh sự chia rẽ và đe dọa. Ông đã hoãn 2 cuộc tuần hành vào ngày 21-4 nhằm tránh tạo gánh nặng cho lực lượng an ninh nhưng vị ứng viên này tuyên bố không ngừng chiến dịch tranh cử.

Nhiều khảo sát trước lúc xảy ra vụ tấn công nói trên cho thấy, ông Macron dẫn đầu, tiếp đó là bà Le Pen. Hai ứng cử viên này có thể lọt vào vòng 2 cuộc bỏ phiếu vào ngày 7-5 tới và chiến thắng sẽ thuộc về ông Macron với 65% số phiếu, so với 35% dành cho bà Le Pen.

Ở vòng 1, ông Macron có thể giành được 24% số phiếu và bà Le Pen 21,5%. Cả hai dẫn trước với khoảng cách khá gần so với ông Fillon và nhà lãnh đạo phong trào “Nước Pháp bất khuất” Jean-Luc Melenchon.

Trong các cuộc thăm dò trước đó, ưu thế đều thuộc về bà Le Pen. Song, người dân Pháp hiện không muốn theo bà trong việc rút khỏi châu Âu nên một bộ phận cử tri dành sự ủng hộ cho một người trẻ và không đảng phái như ông Macron. Tuy nhiên, mọi dự đoán đều có thể bị đảo ngược. Hiện khoảng 30% cử tri chưa quyết định bỏ phiếu cho ai.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.