.

Xung quanh vụ lôi hành khách xuống máy bay: United Airlines thiệt hại 1 tỷ USD

Những ồn ào xung quanh vụ một hành khách - bác sĩ người Mỹ gốc Việt bị các nhân viên an ninh dùng vũ lực lôi xuống máy bay của hãng United Airlines (UA) ở Chicago làm hãng này thiệt hại 1 tỷ USD.

Sáng 12-4 (giờ Mỹ), trong chương trình “Chào buổi sáng nước Mỹ” của đài truyền hình ABC, Giám đốc điều hành UA Oscar Munoz chính thức xin lỗi ông David Dao về việc ông Dao bị các nhân viên an ninh dùng vũ lực buộc rời khỏi chuyến bay ngày 9-4 vừa qua. CNN dẫn lời ông Munoz cho biết, ông cảm thấy xấu hổ khi xem lại đoạn video đang tràn ngập trên các trang mạng. “Đó không phải là điều tôi nghĩ, mà đó là điều tôi đã cảm thấy. Có lẽ từ “đáng xấu hổ” đã xuất hiện trong tôi”, ông Munoz bày tỏ.

Vị giám đốc của UA cho biết, ông đã cố gắng tiếp cận ông Dao để xin lỗi trực tiếp nhưng không thành công. Khác với thái độ trước đó, trong lần phỏng vấn ABC, ông Munoz khẳng định hành khách David Dao không có lỗi. “Ông ấy không thể có lỗi. Ông ấy đã trả tiền để có ghế ngồi trên chuyến bay của chúng tôi và không ai có thể bị đối xử như vậy”, ông Munoz nói; đồng thời cam đoan sẽ không bao giờ để một nhân viên an ninh nào lôi “một hành khách đã đặt vé, đã trả tiền, và đã an vị” ra khỏi máy bay nữa.

Trước đó, ông Munoz đã 3 lần cố gắng xoa dịu sự tức giận của dư luận bằng các thông cáo. Trong lần đầu tiên, ông Munoz xin lỗi “vì đã phải sắp xếp chỗ lại cho những vị khách này”. Trong lần thứ hai, ông Munoz cho rằng, ông Dao đã “có thái độ bất tuân và thô bạo”.

Trong một thư điện tử gửi đến CNN, người phát ngôn của UA cho biết: “Tất cả hành khách trên chuyến bay 3411 vào ngày 9-4 đều đang nhận tiền bồi thường cho vé máy bay của họ”. Song, ông David Dao đang có các động thái pháp lý đầu tiên nhằm khởi kiện UA dù ông vẫn đang điều trị tại một bệnh viện ở thành phố Chicago. Trong một bản thông báo, Stephen L.Golan, luật sư của ông chia sẻ: “Gia đình bác sĩ Dao mong muốn thế giới biết rằng, họ rất biết ơn những lời cầu nguyện, sự quan tâm và ủng hộ”.

Nhiều người trên khắp nước Mỹ và các nơi khác trên thế giới phản ứng mạnh mẽ với vụ bê bối của UA. Một số người đã hủy thẻ tích điểm bay của hãng này. Ngày 11-4, mức điểm trên sàn chứng khoáng của UA giảm 4%, tương ứng thiệt hại 1 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo Bộ Giao thông Mỹ, việc đặt vé quá chỗ là hợp pháp và đa số các hãng hàng không đều có thể mời hành khách ra khỏi máy bay mà không báo trước. Nếu không có hành khách nào tình nguyện, hãng hàng không có thể chọn dựa trên các tiêu chí như thời điểm đăng ký tại sân bay hay mức giá vé đã chi trả. Chỉ riêng trong năm 2015, tại Mỹ đã có khoảng 46.000 người bị buộc rời khỏi chuyến bay đã đặt chỗ của mình.

Phản ứng với điều này, Thống đốc bang New Jersey (Mỹ) Chris Christie cho biết, tình trạng nói trên cần phải được dừng lại. “Mỗi ngày đều có các hành khách bị buộc rời khỏi chuyến bay. Các hành khách đã trả tiền vé và đã giữ chỗ không phải là đối tượng cho hành động này, trừ những trường hợp cực kỳ đặc biệt và chắc chắn là không phải để dành chỗ cho các nhân viên của UA”.

Tại Canada, Bộ trưởng Giao thông Liên bang Marc Garneu cho biết, thời gian tới, chính phủ sẽ thúc đẩy luật về quyền lợi của hành khách, trong đó có thể có các quy định bồi thường cho những người bị từ chối lên máy bay vì các nguyên nhân nằm trong tầm kiểm soát của hãng hàng không. Ông Marc không cho rằng mục đích của luật phát là cấm các hãng hàng không buộc hành khách rời khỏi máy bay, nhưng luật pháp cần phải bảo vệ hành khách và công khai quyền lợi của họ trong các trường hợp khác nhau. Dự kiến luật bảo vệ hành khách của Canada sẽ có hiệu lực vào năm 2018.

KHANG NINH

;
.
.
.
.
.