G7 tìm giải pháp tăng trưởng bền vững

.

Các Bộ trưởng Tài chính, Thống đốc ngân hàng của những quốc gia giàu có nhất thế giới (G7) nhóm họp tại thành phố Bari của Ý để tìm giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm sự ổn định bền vững của thương mại thế giới.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin (bìa trái) lần đầu tham dự hội nghị G7.  Ảnh: AP
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin (bìa trái) lần đầu tham dự hội nghị G7. Ảnh: AP

Hãng AFP cho biết, hội nghị các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng G7 (gồm Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh và Mỹ) cùng các đại diện của Liên minh châu Âu (EU) diễn ra trong hai ngày 12 và 13-5 (giờ địa phương). Trong lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố phương châm “Nước Mỹ trên hết” là trọng tâm trong các chương trình của ông, các nước G7 muốn xác định bức tranh rõ ràng về các kế hoạch của ông chủ Nhà Trắng đối với những chính sách quan trọng, vốn được cho là có ảnh hưởng đến toàn cầu. Theo đó, các vấn đề: thúc đẩy tăng trưởng, sự bất bình đẳng, quy định thuế quốc tế, an ninh mạng và việc ngăn chặn quỹ khủng bố được đặt trên bàn nghị sự ở Bari.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin dự kiến lý giải về các kế hoạch của Tổng thống Trump về việc giảm thuế cho doanh nghiệp cũng như những thúc đẩy của nhà lãnh đạo nước này đối với những gì được cho là “mối quan hệ thương mại cân bằng hơn”. Các nước đối tác của Mỹ cho rằng, Washington đang hướng tới “mối quan hệ thương mại tương hỗ, cân bằng và công bằng hơn”. Về lý thuyết, việc cắt giảm thuế và bãi bỏ bớt các quy định theo đề xuất của Tổng thống Trump có thể giải quyết được một số vấn đề trong nền kinh tế lớn nhất thế giới. Song, các chi tiết và chính sách này sẽ được thực thi cụ thể như thế nào thì vẫn chưa rõ.

Khi được hỏi về thông điệp của chính phủ Berlin gửi đến ông Mnuchin, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble khẳng định: “Chúng tôi cần một nước Mỹ hùng mạnh để dẫn dắt nền kinh tế toàn cầu và chính trị toàn cầu bền vững”. Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Ý Carlo Padoan, nước chủ nhà G7, cho rằng việc Tổng thống Trump muốn giảm thuế cho doanh nghiệp là kế hoạch tham vọng.

Có mặt tại Bari, bờ biển phía nam nước Ý, ông Mnuchin bày tỏ sự háo hức về chính sách thương mại mới của Mỹ. Song, theo các quan chức Bộ Tài chính Ý, không có cuộc thảo luận chính thức nào ở Bari về thương mại. Người phát ngôn của Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho biết, vấn đề sẽ được đưa ra tại các cuộc đàm phán song phương, nhất là giữa Nhật Bản và Đức - cả hai đều là những nước xuất khẩu lớn bị ông Trump cáo buộc hưởng lợi không công bằng từ tỷ giá hối đoái của đồng USD.

Trao đổi với báo giới, Cao ủy châu Âu về các vấn đề kinh tế Pierre Moscovici bày tỏ hy vọng chính sách của Mỹ sẽ không từ bỏ chủ nghĩa đa phương và tự do thương mại. “Chúng tôi có thể thảo luận, chúng tôi có thể có những đánh giá khác nhau, nhưng chúng tôi ở trong cùng một thế giới và trên cùng một con tàu”, ông Moscovici nói.

Các quan chức Ý cho rằng, tuyên bố bế mạc hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng G7 sẽ một lần nữa cảnh báo chống lại sự phá giá cạnh tranh, như hội nghị G20 hồi tháng 3 vừa qua tại Đức từng đưa ra. Theo các chuyên gia, hội nghị thượng đỉnh G7 dự kiến nhóm họp ngày 26 và 27-5 tại Sicily (Ý) sẽ chú trọng về vấn đề thương mại nhiều hơn so với hội nghị Bộ trưởng Tài chính G7 lần này.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.