Mỹ xích lại gần thế giới Arab

.

Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong đó có chặng dừng chân tại Saudi Arabia, là dịp để ông cài đặt lại quan hệ với thế giới Arab, thúc giục các nhà lãnh đạo Arab chống khủng bố.

Tổng thống Mỹ Donald Trump được chào đón tại Saudi Arabia. 	                  Ảnh: AFP
Tổng thống Mỹ Donald Trump được chào đón tại Saudi Arabia. Ảnh: AFP

Bài phát biểu của Tổng thống Donald Trump tại hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo 50 quốc gia Hồi giáo ở thủ đô Riyadh vào tối 21-5 (giờ địa phương) là tâm điểm trong chuyến thăm Saudi Arabia 2 ngày. Hãng Reuters cho biết, ông Trump muốn kêu gọi người Hồi giáo đoàn kết để chống lại mối đe dọa từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Theo đó, trong bài phát biểu, ông nhấn mạnh rằng, thách thức của chủ nghĩa khủng bố là “cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác”, đồng thời thúc giục các nhà lãnh đạo Arab loại bỏ chủ nghĩa khủng bố. “Chủ nghĩa khủng bố lan rộng khắp thế giới. Nhưng con đường dẫn đến hòa bình bắt đầu ngay ở đây, trên mảnh đất cổ này, trên vùng đất thiêng liêng này. Các nước Trung Đông không thể chờ đợi sức mạnh của Mỹ đè bẹp kẻ thù thay cho họ”, Reuters tiết lộ về bài phát biểu của ông Trump.

Ngày 21-5 là ngày làm việc thứ hai của ông Trump tại Saudi Arabia, cũng được đánh dấu bằng các cuộc gặp gỡ riêng rẽ với các nhà lãnh đạo Arab và chủ trì hội nghị Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) gồm 6 quốc gia. Trong đó, ông chủ Nhà Trắng ca ngợi mối quan hệ giữa Mỹ với Ai Cập và gọi cuộc hội đàm với Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi là “rất quan trọng”. Ông Trump còn tuyên bố sẽ sớm thăm Cairo.

Gặp gỡ Quốc vương Qatar Emir Sheikh Tamim Bin Hamad Al-Thani, Tổng thống Trump nhấn mạnh Mỹ và Qatar là “những người bạn lâu năm”. Ông cho rằng, không nước nào có thể sản xuất các thiết bị quân sự giống Mỹ và một thỏa thuận song phương sẽ giúp tạo việc làm cho Mỹ cũng như bảo đảm an ninh cho Qatar.  

Theo Reuters, Saudi Arabia là chặng dừng chân khởi đầu chuyến công du nước ngoài 9 ngày của Tổng thống Trump đến Trung Đông và châu Âu giữa lúc ông bị các đảng chính trị cũng như dư luận trong nước chỉ trích xung quanh việc sa thải Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) James Comey.

Trong chiến dịch tranh cử và khi tiếp quản Nhà Trắng, với những phát biểu gây sốc và lệnh cấm nhập cảnh dành cho người dân từ 7 quốc gia Hồi giáo, ông Trump đã làm thế giới Arab tức giận. Tuy nhiên, giờ đây, khi đến Riyadh, ông được đón tiếp nồng hậu; thậm chí được Vua Salman bin Abdulaziz đích thân trao tặng Huân chương Abdulaziz - phần thưởng dân sự cao quý nhất của quốc gia này. Điều đáng nói nhất chính là các thỏa thuận được ký kết giữa Mỹ với Saudi Arabia ngày 20-5 lên tới hơn 350 tỷ USD, trong đó có 110 tỷ USD thỏa thuận mua bán vũ khí, là “sự khởi đầu cho bước ngoặt” trong quan hệ mới giữa Mỹ, Saudi Arabia và các đồng minh của Washington ở vùng Vịnh.

Các nhà quan sát nhận định: Tổng thống Trump được Quốc vương Salman đón tiếp nồng ấm hơn cả chuyến thăm của người tiền nhiệm Barack Obama hồi năm ngoái. Khi ở Saudi Arabia, ông Obama bày tỏ quan điểm mềm mỏng trong mối quan hệ với Iran và sự do dự đối với vấn đề Syria. Song, ông Trump có quan điểm cứng rắn với Iran ngay từ chiến dịch tranh cử của mình. Nhà lãnh đạo thuộc đảng Cộng hòa này còn gọi thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà Iran đã ký với nhóm P5+1 dưới thời ông Obama là một sai lầm.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ H.R. McMaster nhìn nhận, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Trump đánh dấu vai trò lãnh đạo toàn cầu của Washington đã trở lại. Đối với thế giới Hồi giáo, rõ ràng ông Trump muốn sự ủng hộ của các quốc gia này trong cuộc chiến chống khủng bố và các thỏa thuận trị giá hơn 350 tỷ USD là thắng lợi ban đầu của ông trong chuyến công cán này.

Hồi tháng 3-2016, trả lời phỏng vấn CNN, ông Trump lúc đó là ứng cử viên tổng thống đã nói: “Tôi nghĩ người Hồi giáo ghét chúng ta. Đó sự hận thù to lớn…”. Tuy nhiên, khi trở thành chủ nhân Nhà Trắng, ông Trump có thể chọn con đường giống với những người tiền nhiệm G.W.Bush và Obama. Thời ông G.W.Bush, sau khi Al-Qaeda tuyên bố nhận trách nhiệm các vụ tấn công ngày 11-9-2001, nhà lãnh đạo này đã đến thăm một ngôi đền ở Washington và nói: “Hồi giáo là hòa bình”. Còn ông Obama đã chọn Đại học Cairo để phát biểu về quan điểm của mình đối với Hồi giáo vào tháng 6-2009, kêu gọi kết thúc “vòng luẩn quẩn nghi ngờ và bất đồng”.

Và sau chuyến thăm Saudi Arabia, Tổng thống Donald Trump sẽ đến Israel và lãnh thổ Palestine trước khi dừng chân tại Vatican, Bỉ và Ý. Tại Israel, ông Trump cũng sẽ nỗ lực để cải thiện mối quan hệ phức tạp với Nhà nước Do Thái để chuẩn bị cho tiến trình hòa bình Trung Đông.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.