Vụ tấn công ở Manchester làm 22 người chết

Anh truy lùng thủ phạm

.

Chính phủ Anh triển khai lực lượng an ninh ở những vị trí then chốt, gia tăng báo động khủng bố lên mức cao nhất, đồng thời truy lùng thủ phạm gây ra vụ tấn công liều chết làm 22 người thiệt mạng và 64 người khác bị thương ở Manchester.

Lực lượng an ninh được triển khai ở những nơi quan trọng trên khắp nước Anh.     Ảnh: AP
Lực lượng an ninh được triển khai ở những nơi quan trọng trên khắp nước Anh. Ảnh: AP

Theo AFP, cơ quan an ninh của Anh tin rằng, kẻ đánh bom là Salman Ramadan Abedi (22 tuổi), người dân địa phương gốc Libya có thể đã được “cực đoan hóa” ở Syria. Abedi từng là sinh viên, đã bỏ học và gia nhập tổ chức Hồi giáo cực đoan. Bộ trưởng Nội vụ Anh Amber Rudd nhận định: Abedi có thể không hành động một mình mà được sự giúp sức của những kẻ khác để gây ra vụ tấn công liều chết ở sân vận động Manchester Arena, thành phố Manchester, vào đêm 22-5 (sáng sớm 23-5, giờ Việt Nam). “Dường như anh ta (Abedi) không làm điều này một mình”, bà Rudd phát biểu với đài BBC, đồng thời cho hay lực lượng an ninh Anh đã biết đến Abedi trước khi vụ đánh bom xảy ra.

Cũng theo AFP, sau khi bắt giữ một nghi can 23 tuổi vào ngày 23-5, cảnh sát còn bắt thêm 3 nghi can khác ở phía nam Manchester, nơi Abedi sinh sống, trong các chiến dịch truy lùng gắt gao ngày 24-5.  
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerard Collomb nói rằng, Abedi đã đến Syria. Phát biểu trên đài truyền hình Pháp, ông Collomb cho biết, nghi phạm đã trưởng thành ở Anh; sau chuyến đi Libya và sau đó đến Syria thì bỗng trở nên cực đoan và quyết định thực hiện vụ tấn công ở Manchester. Theo ông Collomb, Abedi có liên quan Daesh (tức tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS - vốn nhận trách nhiệm về vụ tấn công này).

Trong lúc đó, lần đầu tiên kể từ tháng 6-2007 chính phủ Anh nâng mức độ cảnh báo đe dọa khủng bố từ “nghiêm trọng” lên “nguy kịch”, đồng nghĩa với việc một vụ tấn công mới có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. 3.800 binh sĩ được triển khai ở những nơi quan trọng trên khắp nước Anh như Cung điện Buckingham, Phố Downing, các đại sứ quán và Cung điện Westminster. Tuy nhiên, các nhà chức trách cho biết, hiện họ không có ý định ban bố tình trạng khẩn cấp trên khắp đất nước như Pháp đã áp đặt kể từ năm 2015.

Cũng trong ngày 24-5, Thủ tướng Anh Theresa May chủ trì cuộc họp với nhóm an ninh khẩn cấp trong nội các để bàn thảo các nguồn tin tình báo về Abedi và những mối quan ngại rằng anh ta có thể được lực lượng bên ngoài hỗ trợ. Bà May cho biết, quân đội còn có thể được triển khai tại các sự kiện công cộng như hòa nhạc hay thể thao. Bà cũng không loại trừ khả năng có một nhóm gồm nhiều thành viên liên quan vụ tấn công nói trên.

Mối lo ngại khủng bố đang hiện hữu ở Anh. Trước đó, giới chức an ninh Anh đã nhiều lần cảnh báo, IS và những phần tử thánh chiến từ Iraq và Syria xem Anh là mục tiêu tấn công mới.

Điều đáng nói là vụ việc xảy ra trong lúc Anh đang thúc đẩy tiến trình rời Liên minh châu Âu (EU) và chuẩn bị bầu cử Quốc hội. Theo các nhà quan sát, vụ tấn công lần này có thể đặt ra nhiều hoài nghi về việc ở lại hay rời EU sẽ là điều tốt hơn cho nước Anh.

Từng trải qua các vụ tấn công do các chiến binh Hồi giáo cực đoan thực hiện kể từ năm 2015, Pháp hiện muốn gia hạn tình trạng khẩn cấp ở quốc gia này.

Trong một thông báo, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết sẽ yêu cầu Quốc hội gia hạn các biện pháp khẩn cấp đến ngày 1-11, sau khi các biện pháp này kết thúc vào ngày 15-7 tới. Đây sẽ là lần thứ 6 Pháp gia hạn tình trạng khẩn cấp nhằm tăng thêm quyền lực cho cảnh sát.

Trước đó, sau khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tiến hành hàng loạt vụ tấn công đẫm máu tại Pháp hồi tháng 11-2015 làm 130 người chết, giới chức nước này đã áp đặt tình trạng khẩn cấp.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.