Vụ cháy chung cư 24 tầng: Người dân London tức giận

.

Làn sóng tức giận dấy lên ở London khi người dân cho rằng, các nhà chức trách đã phớt lờ những cảnh báo về an toàn của các công trình cao tầng trong nhiều năm qua. Số người chết đã tăng lên 30 người.

Lực lượng cứu hỏa vẫn chưa thể tiếp cận hết các tầng của tòa tháp chung cư. 			        Ảnh: The Telegraph
Lực lượng cứu hỏa vẫn chưa thể tiếp cận hết các tầng của tòa tháp chung cư. Ảnh: The Telegraph

Vụ hỏa hoạn tại tòa tháp chung cư 24 tầng Grenfell Tower, nơi có khoảng 600 người sinh sống, ở thủ đô London của Anh xảy ra rạng sáng 14-6. Đến nay, số người chết tăng lên 30 người và hơn 70 người khác mất tích. Một trong những nạn nhân thiệt mạng Mohammed Alhajali, người tị nạn 23 tuổi từ Syria; Alhajali đến Anh cùng anh trai năm 2014, sống ở tầng 14. Alhajali thiệt mạng nhưng anh trai may mắn thoát chết. 24 người vẫn đang được điều trị tại bệnh viện, trong đó có 12 người bị thương nặng.

Hãng AFP dẫn lời cảnh sát cho biết, một số nạn nhân đã chết có thể không nhận dạng được. Lực lượng cứu hỏa sử dụng máy bay không người lái và chó nghiệp vụ nhưng vẫn không tiếp cận được một số tầng do lo ngại về sự an toàn của kết cấu tòa nhà.

Theo báo The Sun, số người chết có thể tăng lên 65 người. Cảnh sát London ước tính con số này sẽ cao hơn thế nhưng có thể phải mất vài tháng mới hoàn tất công tác tìm kiếm bên trong tòa nhà và xác định danh tính nạn nhân. Cảnh sát sử dụng 3 phương pháp chính để xác định nhân thân nạn nhân, bao gồm: hồ sơ nha khoa, dấu vân tay và ADN.

Trong lúc đó, người dân London phản ứng tức giận vì cho rằng, trong nhiều năm qua, các nhà chức trách địa phương đã phớt lờ những cảnh báo an toàn của các tòa nhà cao tầng. Hơn nữa, người dân London cũng chỉ trích chính quyền bỏ bê người nghèo, chỉ quan tâm người giàu bởi nơi xảy ra hỏa hoạn là một khu nghèo của thủ đô, Grenfell Tower là chung cư dành cho những người thu nhập thấp. Cách đó không xa là 2 khu phố nhà giàu Kensington và Chelsea. Nhiều người tập trung xung quanh hiện trường, quy trách nhiệm chính quyền địa phương đã bỏ mặc sự an toàn cùa người nghèo.

Thủ tướng Anh Theresa May ra lệnh mở cuộc điều tra toàn diện vụ việc, đồng thời khẳng định người dân Anh chờ đợi câu trả lời về vụ cháy và điều này là hoàn toàn chính đáng. Không những thế, công tác kiểm tra an toàn của các tòa nhà tương tự cũng được tiến hành.

Theo Reuters, Thủ tướng May đang bị chỉ trích vì không gặp gỡ những người sống sót khi bà đến hiện trường vào ngày 15-6. Văn phòng Thủ tướng lý giải rằng, việc bà đến hiện trường là để nắm bắt tình hình và làm việc với các đơn vị cứu hộ. Tuy nhiên, lý do này không thuyết phục được người dân và cả các thành viên trong đảng Bảo thủ của Thủ tướng. Ngày 16-6, bà May tuyên bố đến thăm những người bị thương tại bệnh viện.  

Sở Cứu hỏa London cho rằng, còn quá sớm để kết luận nguyên nhân vụ cháy. Song, nhiều câu hỏi được đặt ra về việc làm sao đám cháy lan quá nhanh, bao phủ cả 120 căn hộ. Người đứng đầu lực lượng cứu hỏa London Dany Cotton gọi đây là “vụ việc chưa từng có”. Sự chỉ trích tập trung vào lớp nhựa bọc bên ngoài các bức tường công trình được hoàn thiện vào năm ngoái, trị giá 11 triệu USD. Theo BBC, lớp bọc có lõi nhựa này tương tự với lớp vỏ được sử dụng trong các tòa nhà cao tầng ở Pháp, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất và Úc - những nơi từng bị hỏa hoạn nghiêm trọng. Tờ Times còn cho hay, loại bỏ bọc này bị cấm dùng cho các tòa nhà ở Mỹ cao hơn 12,2m do lo ngại cháy nổ.

BÌNH YÊN

;
.
.
.
.
.