Hòa bình ở nam Philippines: Hy vọng mong manh

.

Chính phủ Philippines ngày 19-7 dọa hủy bỏ đàm phán với phiến quân dự kiến diễn ra vào cuối tuần này tại Hà Lan, làm gia tăng lo ngại bất ổn ở khu vực miền nam vẫn kéo dài.

Lực lượng chính phủ tuần tra bên ngoài một ngôi đền ở Marawi.                                   Ảnh: Reuters
Lực lượng chính phủ tuần tra bên ngoài một ngôi đền ở Marawi. Ảnh: Reuters

Hãng Reuters cho biết, đe dọa của Philippines hủy bỏ đàm phán được đưa ra chỉ vài giờ sau khi 6 thành viên thuộc lực lượng bảo vệ Tổng thống Rodrigo Duterte bị thương và 1 người chết trong một vụ phục kích do khoảng 50 tay súng thực hiện ở đảo Mindanao, nơi chính phủ đang áp đặt thiết quân luật. Lúc xảy ra vụ phục kích, ông Duterte không có mặt ở đảo này. Song, cố vấn hòa bình Jesus Dureza đã kêu gọi hoãn đàm phán. “Tình hình hiện tại không tạo ra môi trường thuận lợi cho đàm phán hòa bình”, người cố vấn này nói.

Theo AFP, Chính phủ cáo buộc Quân đội Nhân dân mới (NPA), hiện có khoảng 4.000 phiến quân, là thủ phạm và đe dọa đình chỉ các cuộc đàm phán hòa bình, trừ khi lực lượng này ngừng tấn công binh sĩ Philippines. Tuyên bố của Văn phòng Tổng thống nêu rõ: Ông Duterte đã chỉ thị phái đoàn của chính phủ không tiếp tục các cuộc đàm phán chính thức, trừ khi lực lượng nổi dậy cánh tả nhất trí ngừng tấn công vào binh sĩ chính phủ ở Mindanao, miền nam Philippines.

Vụ việc nói trên xảy ra trong lúc quân chính phủ ở Mindanao giao tranh với các chiến binh Maute thân với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) - lực lượng đã chiếm giữ thành phố Marawi, thuộc đảo này, kể từ ngày 23-5 đến nay. 60 ngày áp dụng thiết quân luật ở Mindanao là một phần trong chiến dịch quân sự của chính phủ nhưng Tổng thống Duterte đang đề nghị Quốc hội gia hạn thêm thời gian khi chưa có dấu hiệu kết thúc cuộc giao tranh giành lại quyền kiểm soát Marawi. Thiết quân luật sẽ hết liệu lực vào ngày 22-7.

Khi các tay súng vẫy cờ đen của IS chiếm đóng Marawi, đến nay, các vụ đụng độ đã làm hơn 550 người thiệt mạng, trong đó có 413 chiến binh. Giao tranh còn làm gần 400.000 người rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Hồi tháng 5, ông Duterte cũng hủy bỏ đàm phán hòa bình chính thức với phiến quân sau khi cả hai không tìm được giải pháp xử lý xung đột. Những nỗ lực của chính phủ với việc ban bố thiết quân luật, điều động hàng trăm thiết bị quân sự hiện đại cùng binh sĩ cũng không đánh bật được phiến quân ra khỏi Marawi.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright ngày 19-7 cảnh báo, vấn đề thiết quân luật có thể hủy hoại sự đầu tư ở Philippines. Cùng với Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và các quan sát quốc tế, Mỹ bày tỏ quan ngại về các cáo buộc giết người bất hợp pháp của chính phủ Philippines trong chiến dịch trấn áp tội phạm và ma túy.

Tuy nhiên, trong phiên điều trần trước Tiểu ban châu Á - Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ mới đây, Giám đốc dự án nghiên cứu mối đe dọa xuyên quốc gia, thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) Thomas Sanderson cho rằng, nếu không có cả một giải pháp ngắn hạn đối với cuộc chiến ở Marawi lẫn một giải pháp dài hạn cho những vấn đề ở Mindanao, hòn đảo này có thể trở thành tầm ngắm quan trọng của IS. Chiến sự ở Marawi hiện được cho là trở thành tâm điểm hoạt động của IS ở khu vực Đông Nam Á.

Bộ trưởng Y tế Philippines Paulyn Ubial cho biết, ít nhất 40 người dân đang bị kẹt lại trong thành phố Marawi - nơi xảy ra giao tranh giữa lực lượng chính phủ với phiến quân - đã chết vì các bệnh khác nhau như viêm dạ dày, viêm phổi, các bệnh liên quan tim mạch... Bà Ubial kêu gọi chấm dứt bạo lực ở Marawi.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.