Mỹ có thể trở lại thỏa thuận khí hậu

.

Tổng thống Donald Trump hàm ý rằng, Mỹ có thể tham gia trở lại thỏa thuận khí hậu Paris nhưng không nói rõ ông cần điều kiện gì để thay đổi quyết định trước đó của mình.

Vấn đề chống biến đổi khí hậu được hai nhà lãnh đạo Mỹ và Pháp đề cập trong cuộc gặp gỡ tại Paris. 	Ảnh: AP
Vấn đề chống biến đổi khí hậu được hai nhà lãnh đạo Mỹ và Pháp đề cập trong cuộc gặp gỡ tại Paris. Ảnh: AP

Tuần báo Le Journal du Dimanche (JDD) ngày 16-7 dẫn lời Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ hy vọng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đảo ngược quyết định rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris đã được đưa ra trước đó. Ông Macron cho biết: “Ông Trump nói với tôi rằng, ông ấy sẽ tìm giải pháp trong những tháng tới”. Người đứng đầu Điện Elysée cho hay, trong cuộc gặp gỡ song phương tại thủ đô Paris ngày 13-7, ông và người đồng cấp Mỹ đã bàn thảo về những điều có thể đưa Washington trở lại thỏa thuận vốn đã được 195 quốc gia ký kết vào năm 2015, trong đó có Mỹ. Ông Macron là một trong những nhà lãnh đạo chỉ trích về việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận Paris.

Ngày 14-7, trong cuộc họp báo tại Paris, Tổng thống Trump cũng phát biểu, để ngỏ khả năng trở lại thỏa thuận. “Một điều gì đó có thể xảy ra đối với thỏa thuận Paris. Hãy chờ xem điều gì xảy ra… Nếu chuyện đó (việc Mỹ trở lại thỏa thuận Paris) xảy ra sẽ là điều tuyệt vời, còn không thì cũng ổn thôi”, ông Trump nói nước đôi.

Thỏa thuận Paris đánh dấu thành công của thế giới sau 20 năm đàm phán về vấn đề chống biến đổi khí hậu, đặt mục tiêu đến năm 2100 giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C, chủ yếu bằng việc cắt giảm carbon dioxide và các khí thải khác từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch. Thỏa thuận có hiệu lực từ tháng 11-2016, mở đường để các quốc gia điều chỉnh hoạt động ngành công nghiệp, năng lượng và giao thông, hướng đến tăng trưởng xanh và bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, trong chiến dịch tranh cử tổng thống cũng như khi tiếp quản Nhà Trắng, ông Trump cho rằng, thỏa thuận mà người tiền nhiệm Barack Obama đã ký đặt nền kinh tế Mỹ vào những rủi ro. Ông Trump từng nêu rõ: Nếu không rút khỏi thỏa thuận Paris, đến năm 2040, nước Mỹ sẽ thiệt hại khoảng 3.000 tỷ USD và 6,5 triệu việc làm, thu nhập của mỗi hộ dân Mỹ giảm khoảng 7.000 USD. Như vậy, theo ông, Mỹ phải hy sinh quá nhiều so với các nước khác cùng tham gia thỏa thuận.

Mỹ chiếm khoảng 15% lượng phát thải carbon toàn cầu, đồng thời cung cấp tài chính và công nghệ đáng kể cho các nước đang phát triển trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Vì vậy, tuyên bố rút lui của Mỹ đã gây sốc cho cả thế giới; thậm chí, dẫn đến lo ngại rằng vắng cường quốc hàng đầu này, thỏa thuận có thể bị “chết yểu”, dù châu Âu và nhiều nước khác khẳng định vẫn tiếp tục theo đuổi thỏa thuận mà không cần Washington.

Báo Washington Post dẫn lời bà Laurence Tubiana, một quan chức Pháp và là “kiến trúc sư” của thỏa thuận Paris nghi ngại rằng, không đơn giản để Mỹ trở lại thỏa thuận. Một số nhà ngoại giao cũng cảnh báo Tổng thống Macron không nên nỗ lực quá nhiều trong việc thuyết phục ông chủ Nhà Trắng. Đối với “phát biểu nước đôi” nói trên của Tổng thống Mỹ, theo bà Tubiana, “không có cuộc cách mạng nào” trong phát biểu này. Các chính trị gia và các nhà ngoại giao khắp châu Âu cũng cảnh báo, không nên quá tin vào lời lẽ của ông Trump. Ngày 1-6 vừa qua, khi tuyên bố rút khỏi thỏa thuận, ông Trump nói rằng, sẽ sẵn sàng đàm phán lại để tạo ra “một thỏa thuận mới có thể bảo vệ đất nước của chúng tôi và những người đóng thuế”. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Khí hậu và Môi trường Na Uy Vidar Helgesen, sẽ không có việc “đàm phán lại”.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.