Mỹ - Pháp tìm tiếng nói chung

.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron muốn gạt bỏ những khác biệt về các vấn đề thương mại và biến đổi khí hậu, tìm tiếng nói chung khi hai nhà lãnh đạo gặp gỡ trước thềm Quốc khánh Pháp (14-7).

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gặp gỡ bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO hồi tháng 5-2017. 	                                                                  Ảnh: Getty Images
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gặp gỡ bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO hồi tháng 5-2017. Ảnh: Getty Images

Ngày 13-7, Tổng thống Donald Trump đến thủ đô Paris và gặp gỡ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron để tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria và mở rộng các chiến lược chống khủng bố. Chuyến thăm diễn ra trong lúc Pháp chuẩn bị kỷ niệm ngày Quốc khánh và cũng đánh dấu 100 năm kể từ khi quân đội Mỹ tham gia Thế chiến thứ nhất cùng Pháp và Anh.

Hãng AP cho biết, nhà lãnh đạo Mỹ lần này trở lại một thành phố mà ông từng chê bai. Hồi tháng trước, khi tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận Paris về khí hậu, Tổng thống Trump nói rằng, ông “được bầu để đại diện cho công dân Pittsburgh, chứ không phải Paris”. Và ông đã nhắc lại rằng, thành phố này bị hủy hoại bởi các mối đe dọa khủng bố, mà ông hàm ý về mối liên hệ với những người nhập cư. “Paris hiện không còn là Paris nữa”, ông Trump từng nói như vậy hồi tháng 2.

Tuy nhiên, vấn đề chống khủng bố có thể đưa ông Trump và ông Macron trở thành những đối tác mạnh mẽ của nhau. Quan điểm về an ninh quốc gia của Tổng thống Pháp không khác biệt rõ với quan điểm với nhà lãnh đạo Mỹ. Trong vấn đề Syria, ông Macron cho rằng, Tổng thống Bashar al-Assad là mối đe dọa đối với Syria và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) là mối đe dọa đối với Pháp. Trong những năm gần đây, Pháp liên tiếp hứng chịu các vụ tấn công của lực lượng Hồi giáo cực đoan. Chẳng hạn, trong lễ Quốc khánh năm ngoái, một xe tải đã lao vào đám đông ở thành phố Nice, làm hơn 80 người chết.

Ông Macron ủng hộ sự can thiệp nhằm chống lại chính phủ Syria để đáp trả lại việc Damascus đã sử dụng vũ khí hóa học (dù đây chỉ là cáo buộc và đã bị chính phủ của ông Assad bác bỏ). Hơn nữa, ông Macron có thể là một đồng minh quan trọng mà chính phủ của Tổng thống Trump muốn tìm kiếm để gia tăng áp lực chống lại ông Assad. Nhưng để làm được điều này, Pháp và Mỹ phải hợp tác đối đầu với sự ủng hộ của Nga dành cho ông Assad.

Hãng Reuters cho rằng, cả ông Trump lẫn ông Macron đều sẽ có những động cơ để cải thiện mối quan hệ Mỹ - Pháp. Tổng thống Macron hy vọng sẽ thúc đẩy vai trò của Pháp trong các vấn đề toàn cầu, còn ông Trump - giữa lúc đang bị cô lập với các nhà lãnh đạo thế giới - cần một người bạn nước ngoài.

Cũng theo Reuters, với Tổng thống Macron, nhà lãnh đạo trẻ nhất nước Pháp kể từ thời Napoleon, sau cuộc gặp gỡ song phương đầu tiên tại hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hồi tháng 5 vừa qua, chuyến thăm lần này là cơ hội để ông sử dụng “ngoại giao mềm”, giành được lòng tin của Tổng thống Trump và tạo ảnh hưởng đối với chính sách ngoại giao của Washington.

Trả lời phỏng vấn báo Ouest-France xuất bản ngày 13-7, Tổng thống Macron nói: “Thế giới phương Tây đang rạn nứt kể từ cuộc bầu cử Mỹ”. Phát biểu của ông có cơ sở bởi ở London, Berlin, Brussels, Paris, các nhà lãnh đạo châu Âu đang loay hoay trước chính sách ngoại giao của Tổng thống Mỹ - người vốn chủ trương “Nước Mỹ là trên hết”. Giữa Mỹ và châu Âu đang căng thẳng xung quanh các vấn đề thương mại và biến đổi khí hậu. Giữa ông Trump và ông Macron cũng có ít điểm chung, thậm chí khác biệt từ việc toàn cầu hóa đến nhập cư… Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Macron (39 tuổi) được mô tả là người “chống Trump” và tuổi đời của ông chỉ gần bằng một nửa so với tuổi của người đứng đầu Nhà Trắng (71 tuổi). Ông Trump lúc đó ủng hộ bà Marine Le Pen, đối thủ của ông Macron.

Theo các nhà phân tích, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Pháp tìm quan điểm chung về ngoại giao và quân sự. Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia của Nhà Trắng Gary Cohn nhận định: Ông Trump và ông Macron sẽ có mối quan hệ “tuyệt vời”. Trong khi đó, Reuters dẫn lời một quan chức Pháp cho rằng, Tổng thống Macron muốn đưa Tổng thống Trump ở lại vòng tròn mà Mỹ - cường quốc hàng đầu thế giới - không thể bị loại trừ.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.