ASEAN hướng đến cộng đồng thịnh vượng

.

Sau 50 năm, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã dẫn dắt các nước thành viên vượt qua nhiều thách thức để phát triển, hướng tới một cộng đồng thịnh vượng, lấy người dân làm trung tâm.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (thứ 6, từ phải sang), Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh (bìa phải), các Bộ trưởng cùng đại diện ngoại giao cấp cao 10 nước thành viên và các nước đối tác - đối thoại tham dự lễ kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN.                              Ảnh: AFP/TTXVN
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (thứ 6, từ phải sang), Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh (bìa phải), các Bộ trưởng cùng đại diện ngoại giao cấp cao 10 nước thành viên và các nước đối tác - đối thoại tham dự lễ kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN. Ảnh: AFP/TTXVN

Sáng 8-8, lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với chủ đề “Dưới một ánh sáng, chúng ta là một ASEAN” được tổ chức trọng thể tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Philippines ở thủ đô Manila. Lễ kỷ niệm cũng đánh dấu thành công của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 và các hội nghị liên quan tại Manila.

Tham dự buổi lễ có Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh, các bộ trưởng ngoại giao đến từ 10 nước ASEAN và các nước đối tác - đối thoại. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự lễ kỷ niệm.

Trong bài phát biểu khai mạc, Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano nhấn mạnh sau 50 năm, ASEAN đã trở thành một tổ chức khu vực uy tín, là đối tác tin cậy của nhiều quốc gia trên thế giới. ASEAN đã dẫn dắt các nước thành viên vượt qua nhiều thách thức để phát triển; trong đó, sự đoàn kết, đồng thuận trong ASEAN là yếu tố then chốt để ASEAN duy trì được hòa bình, ổn định, làm cơ sở để cùng nhau phát triển, hướng tới một cộng đồng thịnh vượng, lấy người dân làm trung tâm. “Chúng tôi đang bước vào một thời khắc đặc biệt khi ASEAN tròn 50 năm thành lập.

Chúng ta có thể tự hào về một ASEAN 50 năm ổn định, thịnh vượng, hòa bình, củng cố vai trò trung tâm và xây dựng một Cộng đồng ASEAN. Chúng ta tự hào với tốc độ tăng trưởng kinh tế, sự đồng thuận và tự hào về những thành quả mà chúng ta đã đạt được”, ông Cayetano nói.

Trong thông điệp tại lễ kỷ niệm, Tổng thống nước chủ nhà Rodrigo Duterte cũng khẳng định tầm quan trọng của ASEAN trong 50 năm qua và mong muốn ASEAN tiếp tục phát trển bền vững, mang lại sự thịnh vượng chung cho mọi người dân. Ông Duterte cho rằng, sau 50 năm, vai trò, vị thế của ASEAN đã được xác lập và khẳng định vững chắc.

Điều này được thể hiện qua sự lớn mạnh của Cộng đồng ASEAN; sự gắn kết chặt chẽ cả về chính trị, kinh tế lẫn văn hóa giữa các thành viên; sự phát triển nhanh chóng của các mối quan hệ của ASEAN với các đối tác bên ngoài; sự tôn trọng và ủng hộ của các nước đối với vai trò trung tâm của hiệp hội trong các tiến trình khu vực.

- Quy mô dân số ASEAN: 635 triệu dân.

- Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ASEAN: khoảng 3.000 tỷ USD.

- Tổng kim ngạch thương mại hằng năm ASEAN: hơn 1.000 tỷ USD, trong đó thương mại nội khối chiếm 1/4.

Tổng thống Duterte nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, ASEAN cần tiếp tục phát huy tính chủ động, liên kết mạnh mẽ hơn nữa cũng như thích ứng với tình hình phát triển mới của khu vực và trên thế giới. Đặc biệt, trong thông điệp của mình, nhà lãnh đạo Philippines bày tỏ lòng biết ơn và vinh danh những người sáng lập ASEAN.

Ngày 8-8 đánh dấu chặng đường 50 năm hình thành và phát triển của ASEAN. Từ một tổ chức với 5 thành viên đầu tiên gồm Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Philippines, ASEAN đã kết nạp thêm Brunei (1984), Việt Nam (1995), Lào và Myanmar (1997), Campuchia (1999).

Trải qua 50 năm hình thành và phát triển với nhiều thăng trầm, ASEAN đã khẳng định vị thế của một tổ chức vững mạnh, liên kết sâu rộng và là đối tác không thể thiếu của các nước trên thế giới với những thành tựu đáng tự hào. Hiện ASEAN là nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới và thứ 3 châu Á, sau Trung Quốc và Ấn Độ. Dự đoán ASEAN sẽ là nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới trong năm 2025.

ASEAN đã xây dựng các liên kết kinh tế với nhiều đối tác, hiện có 10 đối tác đối thoại chính thức, trong đó có 8 quốc gia và 2 tổ chức quốc tế là Liên Hợp Quốc (LHQ) và Liên minh châu Âu (EU). Có 6 đối tác đối thoại được thiết lập từ những năm 1970, gồm: Úc (1974), New Zealand (1975), Canada, EU, Nhật Bản, Mỹ và LHQ (1977). Riêng quan hệ đối thoại với LHQ sau này được thay thế bằng quan hệ đối tác toàn diện.

Tại các cuộc gặp bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50, ngày 8-8, Nhật Bản và Hàn Quốc bày tỏ cam kết ủng hộ những sáng kiến của Việt Nam trong việc giải quyết những thách thức an ninh trong khu vực. Các bên cũng nhất trí duy trì vai trò trung tâm của ASEAN, tăng cường hợp tác cùng các nước ASEAN và đối tác nhằm giải quyết hữu hiệu những thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống trong khu vực trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982)...

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh bày tỏ ủng hộ vai trò tích cực của Nhật Bản và Hàn Quốc trong việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh tại khu vực.

B.T tổng hợp

;
.
.
.
.
.