Cựu Thủ tướng Thái Lan cho rằng mình vô tội

.

Phát biểu trong nước mắt, cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra tuyên bố bà vô tội và chỉ là “nạn nhân chính trị” khi bị cáo buộc sai phạm trong chương trình trợ giá gạo cho nông dân.

Cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra nhận hoa của những người ủng hộ khi đến Tòa án Tối cao. 								                Ảnh: AP
Cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra nhận hoa của những người ủng hộ khi đến Tòa án Tối cao. Ảnh: AP

Ngày 1-8, phát biểu tại Tòa án Tối cao ở thủ đô Bangkok, cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra khẳng định bà không hành động thiếu trung thực trong chương trình trợ giá gạo trị giá 8 tỷ USD và việc truy tố bà mang động cơ chính trị. “Chương trình trợ giá gạo đã được chứng minh mang lại lợi ích cho nền kinh tế ở cấp cơ sở và trên cả nước”, bà rưng rưng nước mắt.

Theo đó, bà Yingluck tuyên bố mình vô tội và chỉ là “nạn nhân chính trị”, đồng thời việc truy tố bà là một cuộc tấn công mang động cơ chính trị do Thủ tướng Prayuth Chan-ocha dẫn đầu. “Tôi là nạn nhân của một trò chơi chính trị… Tôi không liên quan đến tham nhũng và tôi không tham nhũng. Tôi không làm điều gì sai trái”, hãng AFP dẫn lời bà Yingluck nói.

Đây là phát biểu cuối cùng của bà Yingluck tại tòa trong vụ án liên quan chương trình trợ giá gạo gây nhiều tranh cãi. Chương trình tập trung vào đối tượng nông dân, chiếm 40% lực lượng lao động ở Thái Lan, vốn là “xương sống” đối với đảng Puea Thai của bà Yingluck và cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Bà đã đưa ra chương trình thu mua gạo của nông dân với giá cao gấp đôi giá thị trường để tích trữ. Bà cho rằng, sự thiếu hụt nguồn cung từ Thái Lan - nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới - sẽ đẩy giá gạo thế giới tăng cao đột biến. Sau đó, Thái Lan sẽ bán ra với mức giá cao hơn bình thường để nông dân và chính phủ nước này hưởng lợi. Tuy nhiên, chính chương trình trợ giá gạo đã làm Thái Lan mất vị trí nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới và được cho là gây thiệt hại 178 tỷ baht.

Bà Yingluck bị lật đổ trong cuộc đảo chính hồi tháng 5-2014. Tháng 1-2015, Hội đồng Lập pháp quốc gia Thái Lan (NLA) bỏ phiếu thống nhất buộc tội bà sao nhãng nhiệm vụ trong việc giám sát chương trình trợ giá gạo. Theo đó, bà Yingluck bị cấm tham gia các hoạt động chính trị trong 5 năm. Tuy nhiên, cựu Thủ tướng vẫn là nhân vật có ảnh hưởng của phong trào dân túy. Giờ đây, khi đến Tòa án Tối cao, nơi có hơn 1.000 người ủng hộ tập trung bên ngoài, bà đã kêu gọi công lý. Những người ủng hộ hô vang: “Hãy chiến đấu! Hãy chiến đấu” khi bà Yingluck xuống xe đi vào tòa.

Theo luật mới của Thái Lan, bà Yingluck được phép kháng cáo mà không cần phải đưa ra thêm bằng chứng. Phiên luận tội chính thức sẽ diễn ra vào ngày 25-8 tới. Nếu bị kết tội, bà Yingluck có thể đối mặt 10 năm tù giam.

Toàn bộ tài sản của bà Yingluck, gồm 37 bất động sản và 16 tài khoản ngân hàng, hiện bị “đóng băng”. Ước tính số tài sản này khoảng 610 triệu baht (tương đương 18 triệu USD). Chính phủ quân sự nói rằng, việc phong tỏa tài sản nhằm thu hồi khoảng tiền phạt 35 tỷ baht (1 tỷ USD) do những thất thoát từ chương trình trợ giá gạo. Trước đó, cựu Thủ tướng Yingluck chỉ trích việc tịch thu tài sản của bà là nhằm gây sức ép để Tòa án Tối cao ra phán quyết vụ kiện này.

Theo AFP, phán quyết của tòa sẽ là phép thử đối với sự ổn định của Thái Lan sau một thập niên chìm trong đảo chính và các vụ biểu tình bạo lực trên đường phố. Chính phủ cũng lo ngại bất ổn sẽ xảy ra khi phiên tòa kéo dài 18 tháng này kết thúc.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.