Mỹ - Triều Tiên "khẩu chiến"

.

CHDCND Triều Tiên dọa bắn 4 tên lửa đạn đạo tầm trung nhằm vào đảo Guam, lãnh thổ của Mỹ ở Thái Bình Dương, vào giữa tháng 8 này. Trong khi đó, Mỹ dọa sẽ dùng “bất kỳ biện pháp nào phù hợp” để đáp trả.

Một vụ thử tên lửa của CHDCND Triều Tiên trong những tháng gần đây. 				            Ảnh: AFP
Một vụ thử tên lửa của CHDCND Triều Tiên trong những tháng gần đây. Ảnh: AFP

Những tuyên bố mới nhất giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên càng làm dấy lên căng thẳng giữa hai nước sau hàng loạt vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa của Bình Nhưỡng mới đây. Hãng Reuters cho biết, ngày 10-8, CHDCND Triều Tiên bác bỏ những cảnh báo của Tổng thống Donald Trump rằng, nếu đe dọa Mỹ, Bình Nhưỡng sẽ đối mặt với “hỏa lực, cuồng nộ và sức mạnh mà thế giới chưa từng thấy”; đồng thời quốc gia phía bắc trên bán đảo Triều Tiên vạch ra kế hoạch chi tiết về việc sẽ bắn 4 tên lửa đạn đạo tầm trung nhằm vào đảo Guam - nơi đồn trú nhiều máy bay ném bom chiến lược của Mỹ, vào giữa tháng 8 này theo lệnh của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Theo hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA, kế hoạch cuộc tấn công phủ đầu đang được Bình Nhưỡng “xem xét nghiêm túc”. Cụ thể, 4 tên lửa đạn đạo chiến lược tầm trung Hwasong-12 sẽ được bắn nhằm “ngăn chặn lực lượng kẻ thù tại các căn cứ quân sự ở Guam và phát cảnh báo nghiêm trọng tới Mỹ”. Các tên lửa này sẽ bay qua không phận các tỉnh Shimane, Hiroshima, Koichi của Nhật Bản, với hành trình 3.356,7km và đáp xuống cách Guam khoảng 30-40km.

Các chuyên gia ở Hàn Quốc cho rằng, kế hoạch nói trên của CHDCND Triều Tiên tạo ra những nguy cơ đáng kể, trong lúc Mỹ xem bất kỳ tên lửa nào nhằm vào lãnh thổ của cường quốc này, dù chỉ một vụ phóng thử, đều là hành động khiêu khích. Hiện tại, việc Mỹ và CHDCND Triều Tiên liên tiếp dằn mặt nhau chỉ ở mức độ “khẩu chiến” và “trừng phạt”. Theo Reuters, trong tuần này, thông tin về việc CHDCND Triều Tiên đạt được những tiến bộ trong việc phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa có thể vươn đến lục địa Mỹ làm gia tăng “khẩu chiến” giữa Washington và Bình Nhưỡng, gây bất ổn ở khu vực, đồng thời làm các nhà đầu tư toàn cầu lo lắng.

Ông Sebastian Gorka, phó trợ lý của Tổng thống Trump nhấn mạnh, Mỹ sẽ dùng “bất kỳ giải pháp nào phù hợp” để bảo vệ đất nước trước mối đe dọa từ CHDCND Triều Tiên. Thống đốc đảo Guam, ông Eddie Calvo, xem đe dọa của Bình Nhưỡng là biểu hiện của sợ hãi và khẳng định không có mối đe dọa nào gia tăng. Ông Calvo cũng cho hay, người dân Guam tỏ ra quan ngại nhưng không hoảng loạn.

Giới quan sát đưa ra những nhận định khác nhau về nguy cơ một cuộc đối đầu thật sự giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên. Nhà nghiên cứu cấp cao Lee Choon-geun tại Viện Chính sách khoa học và công nghệ của Hàn Quốc, lo ngại khả năng tên lửa có thể vươn đến gần đảo Guam hơn dự kiến và Mỹ sẽ xem đó là một “cuộc tấn công rõ ràng”. “Điều này có thể làm các mối đe dọa leo thang ở mức chưa từng có”, giáo sư Lee Choon-geun nói.

Theo nhà nghiên cứu Cha Do-hyeogn ở Viện Nghiên cứu chính sách về châu Á ở Seoul (Hàn Quốc), ngay cả khi tên lửa của CHDCND Triều Tiên không chạm đến đảo Guam, Mỹ cũng sẽ không để yên cho sự khiêu khích như vậy, bởi động thái này đe dọa đến an ninh quốc gia. Tuy nhiên, giáo sư danh dự tại Đại học Keio (Nhật Bản), Masao Okonogi, nhận định: Bằng việc thông báo trước, CHDCND Triều Tiên cũng chỉ đưa ra một thông điệp ngầm rằng những gì họ làm không phải là cuộc tấn công thật sự.

Về phía Hàn Quốc, Nhà Xanh thúc giục CHDCND Triều Tiên ngừng tất cả những lời đe dọa và cần hồi đáp về đề nghị đối thoại nhằm xoa dịu căng thẳng hiện nay. Quân đội Hàn Quốc được đặt trong tình trạng sẵn sàng ứng phó trước hành động của Triều Tiên. Song, theo Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) của Hàn Quốc, cánh cửa đối thoại vẫn để ngỏ với Bình Nhưỡng.

Thực tế, Mỹ và Hàn Quốc vẫn duy trì tình trạng chiến tranh kỹ thuật với CHDCND Triều Tiên, bởi cuộc chiến tranh Triều Tiên năm 1953-1954 kết thúc mà không có một hiệp định hay một hiệp ước hòa bình nào được ký hết. Căng thẳng ở khu vực Đông Bắc Á gia tăng kể từ khi CHDCND Triều Tiên tiến hành 2 vụ thử bom hạt nhân hồi năm ngoái và các vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa, vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố sẽ không cho phép Bình Nhưỡng phát triển vũ khí hạt nhân có thể vươn đến Mỹ. Cảnh báo mới đây của ông về việc Bình Nhưỡng sẽ đối mặt với “hỏa lực, cuồng nộ và sức mạnh mà thế giới chưa từng thấy” được đưa ra sau khi có thông tin về việc CHDCND Triều Tiên đã chế tạo thành công đầu đạn hạt nhân kích thước nhỏ, vừa đủ để gắn lên tên lửa, kể cả tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Đảo Guam có diện tích gần 337km2, với khoảng 163.000 người dân sinh sống, hầu hết là công dân Mỹ. Một căn cứ quân sự của Mỹ đồn trú nơi đây, gồm 1 đội tàu ngầm, 1 căn cứ không quân và nhóm phòng vệ bờ biển. Guam chỉ cách thủ đô Bình Nhưỡng của CHDCND Triều Tiên khoảng 3.410 km.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.