Hôm nay Triều Tiên thử tên lửa?

.

Hàn Quốc đang theo dõi chặt chẽ CHDCND Triều Triên khi có thông tin cho rằng nước này có thể phóng một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) khác vào hôm nay (9-9).

Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) được triển khai ở thị trấn Seongju (Hàn Quốc) nhằm đối phó với mối đe dọa tên lửa và hạt nhân từ Triều Tiên. 									     Ảnh: AP
Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) được triển khai ở thị trấn Seongju (Hàn Quốc) nhằm đối phó với mối đe dọa tên lửa và hạt nhân từ Triều Tiên. Ảnh: AP

Ngày 8-9, hãng AP dẫn lời người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc Eugene Lee cho rằng, CHDCND Triều Tiên có thể thực hiện các vụ thử ICBM vào cuối tuần này (ngày 9-9) hoặc khoảng ngày 10-10 tới, dịp kỷ niệm thành lập Đảng Lao động Triều Tiên.  

Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung-gyon cho biết, nước ông sẽ nỗ lực ngăn chặn CHDCND Triều Tiên hoàn thiện kế hoạch phát triển ICBM có gắn đầu đạn hạt nhân. Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-Moo cũng cảnh báo, CHDCND Triều Tiên có thể đã thành công trong việc thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để lắp trong các ICBM.

Với vụ thử hạt nhân lần thứ 6 vừa qua, các chuyên gia tin rằng, CHDCND Triều Tiên đã gần đạt mục tiêu trong việc phát triển một loại vũ khí hạt nhân có sức hủy diệt, có khả năng vươn tầm tấn công tới tận lãnh thổ Mỹ, nhằm vào các thành phố lớn như Los Angeles và Chicago.

Tuy nhiên, thăm dò dư luận do Viện Gallup Hàn Quốc thực hiện cho thấy, người dân nước này đã bớt lo sợ đáng kể về nguy cơ chiến tranh nếu so với tâm trạng của họ vào tháng 7-2007, tức 9 tháng sau khi CHDCND Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên vào tháng 9-2006. Theo thăm dò dư luận, 58% những người được hỏi cho rằng, họ cảm thấy không có khả năng Triều Tiên sẽ gây chiến. Song, 37% số người được hỏi nghĩ khả năng này có thể xảy ra. Năm 2007, 51% số người Hàn Quốc lo sợ nguy cơ chiến tranh xảy ra và 45% nói không.

Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nhiều lần lặp lại rằng, mọi lựa chọn hành động đối phó với CHDCND Triều Tiên đều đã được đặt lên bàn. Tuy nhiên, ngày 7-9, ông Trump lại bày tỏ không thích sử dụng phương án hành động quân sự, nhưng không quên “gài thêm lời cảnh báo” rằng, nếu ông buộc phải lựa chọn điều đó thì sẽ là “một ngày rất buồn” với Bình Nhưỡng. Mỹ đang quyết tâm thúc đẩy Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) bỏ phiếu vào ngày 11-9 tới về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với CHDCND Triều Tiên, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc và Nga. Dự thảo nghị quyết do Mỹ trình HĐBA LHQ đề cập việc cấm vận dầu mỏ đối với Bình Nhưỡng, đóng băng tài sản của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ngoài ra, một lệnh cấm cũng được áp đặt cho sản phẩm may mặc và ngừng trả lương cho các công nhân Triều Tiên đang làm việc tại nước ngoài.

Về phía Trung Quốc, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 8-9, Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi Paris đóng vai trò xây dựng trong việc khởi động lại những cuộc đàm phán về vấn đề Triều Tiên. “Vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên rốt cuộc chỉ có thể giải quyết thông qua các giải pháp hòa bình, bao gồm đối thoại và các cuộc tham vấn”, ông Tập nói.

Theo Tổng thống Macron, Pháp cũng đã rất nỗ lực tham gia duy trì hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời đánh giá cao vai trò của Trung Quốc. Bắc Kinh là nước chủ nhà trong những cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề Triều Tiên với sự tham dự của Nhật Bản, Nga, Mỹ, hai miền Triều Tiên. Song, các cuộc đàm phán đó đã dừng lại từ năm 2008.

Trong cuộc bỏ phiếu sắp tới của HĐBA LHQ, mọi sự tập trung sẽ dồn vào Trung Quốc và Nga để xem phản ứng của hai quốc gia này. Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia hiện cho rằng, thời điểm bỏ phiếu ngày 11-9 là “hơi vội vã”.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
.
.
.
.
.