Iran quyết tâm phát triển tên lửa

.

Ngày 22-9, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố nước này sẽ tăng cường năng lực tên lửa đạn đạo bất chấp những chỉ trích từ phía Mỹ cũng như Pháp.

Iran thử tên lửa đạn đạo Qadr ở núi Alborz ngày 9-3-2016.     			  Ảnh: AFP
Iran thử tên lửa đạn đạo Qadr ở núi Alborz ngày 9-3-2016. Ảnh: AFP

Phát biểu tại lễ diễu binh ở thủ đô Tehran nhân dịp tưởng niệm cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1980-1988 giữa Iran và Iraq, Tổng thống Rouhani nhấn mạnh: “Chúng tôi dự định gia tăng sức mạnh quân sự cần thiết để răn đe… mà không phải xin phép bất cứ ai khi bảo vệ đất nước mình”. Theo đó, Iran không chỉ phát triển hệ thống tên lửa mà còn chú trọng phát huy sức mạnh quân sự của các lực lượng bộ binh, hải quân và không quân.

Tuyên bố trên của Tổng thống Rouhani được đưa ra trong bối cảnh quan hệ với Mỹ rơi vào tình trạng căng thẳng liên quan đến thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm cường quốc P5+1, gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), được ký kết năm 2015. Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục chỉ trích thỏa thuận. Ông chủ Nhà Trắng đã ký một đạo luật áp đặt các hình phạt bắt buộc mới đối với những đối tượng tham gia chương trình tên lửa đạn đạo của Iran. Trong khi đó, nước Cộng hòa Hồi giáo này lại khẳng định các tên lửa của Tehran hoàn toàn hợp pháp theo đúng các điều khoản của thỏa thuận.

Cũng trong lễ diễu binh ở Tehran ngày 22-9, Iran tiết lộ một tên lửa đạn đạo mới với tầm phóng 2.000 km có khả năng vươn tới nhiều khu vực ở Trung Đông, trong đó có Israel.  Hãng AP dẫn lời người đứng đầu bộ phận hàng không vũ trụ của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, Tướng Amir-Ali Hajizadeh, cho biết tên lửa đạn đạo mới này có khả năng “mang một vài đầu đạn hạt nhân” nhằm phục vụ các mục đích sử dụng khác nhau nhưng cơ quan này không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Kho vũ khí của Iran hiện lưu trữ các tên lửa khác cũng trong phạm vi tầm phóng 2.000km này. Giới quan sát nhận định, động thái công khai tên lửa mới là “thách thức trực tiếp” gửi đến với ông Trump khi nhà lãnh đạo Mỹ vẫn lấp lửng về quyết định ủng hộ hay rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử này.

THƯ LÊ
 

;
.
.
.
.
.