Phép thử cho thỏa thuận hạt nhân Iran

.

Thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran và nhóm cường quốc P5+1 đối mặt với phép thử quan trọng vì nguy cơ rút lui của Mỹ.

Cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) diễn ra ở New York ngày 18-9 (giờ địa phương) được cho là sẽ đánh dấu số phận của thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm cường quốc P5+1 (bao gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh Pháp và Đức). Thỏa thuận này được hai bên ký kết hồi năm 2015 với tên gọi chính thức là Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA). Theo đó, Iran nhất trí hạn chế hoạt động làm giàu uranium để đổi lấy việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt quốc tế của phương Tây nhằm vào quốc gia Trung Đông này.

Các quan chức Iran và nhóm cường quốc P5+1 tại buổi đàm phán thành công thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015. 					           Ảnh: The Globe Post
Các quan chức Iran và nhóm cường quốc P5+1 tại buổi đàm phán thành công thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015. Ảnh: The Globe Post

Hãng Reuters cho biết, các nước châu Âu đang tìm cách thuyết phục Tổng thống Mỹ Donald Trump giữ nguyên JCPOA, mà nhà lãnh đạo này vốn cho là “thỏa thuận tồi tệ nhất từ trước đến nay đối với Mỹ và có lợi cho Iran nhiều hơn”. Trong khi đó, Israel ra sức vận động để gây áp lực cho Tehran, đối thủ trong khu vực.

Ngày 14-9 vừa qua, Tổng thống Trump cho rằng, Iran đã vi phạm tinh thần của thỏa thuận. Tháng 10 tới, ông sẽ đưa ra quyết định đánh giá việc tuân thủ JCPOA của Iran. Và nếu ông chủ Nhà Trắng thông báo với Quốc hội rằng, Iran không chấp hành JCPOA thì cơ quan lập pháp của Mỹ sẽ có 60 ngày để quyết định áp dụng lại các biện pháp trừng phạt Tehran. Như vậy đồng nghĩa với việc Washington đơn phương rút khỏi thỏa thuận.

Theo Reuters, khả năng Mỹ rút lui đang làm các đồng minh của Washington lo lắng, nhất là thế giới đang căng thẳng với một cuộc khủng hoảng hạt nhân khác: chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. “Tất cả chúng ta chia sẻ mối quan ngại của Mỹ về vai trò của Iran ở khu vực nhưng nếu làm lẫn lộn mọi thứ thì chúng ta có nguy cơ mất tất cả”, một nhà ngoại giao cấp cao của châu Âu nói. Ngày 17-9, nhà lãnh đạo tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei cảnh báo, nước này sẽ phản ứng mạnh mẽ trước bất cứ “hành động sai trái” nào của Mỹ liên quan đến JCPOA.

Tại phiên họp Đại hội đồng LHQ lần này, Tổng thống Trump sẽ gặp gỡ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Tuần trước, ông Netanyahu nhấn mạnh: “JCPOA là một thỏa thuận tồi tệ. Cần sửa đổi hoặc hủy bỏ nó. Đây là quan điểm của Israel”.

Với các cường quốc liên quan đến thỏa thuận (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh Pháp và Đức), họ sẽ nhóm họp cấp bộ trưởng cùng Iran vào ngày 20-9. Pháp là một trong những nước có quan điểm cứng rắn nhất chống lại Tehran trên bàn đàm phán nhưng Paris đã nhanh chóng khôi phục quan hệ thương mại với nước Cộng hòa Hồi giáo. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng, sẽ không có thỏa thuận thay thế JCPOA.

Các quan chức Pháp nhận định, Iran tôn trọng JCPOA. Theo các nhà ngoại giao Pháp, ông chủ Điện Elysée Emmanuel Macron sẽ cảnh báo với người đồng cấp Mỹ rằng, việc làm suy yếu hoặc hủy bỏ thỏa thuận sẽ không chỉ tiếp thêm “nhiên liệu” cho một cường quốc ở khu vực, mà còn cản trở CHDCND Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán về chương trình hạt nhân của nước này. Hơn nữa, đó cũng sẽ là dấu hiệu bắt đầu chấm dứt Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), vốn có hiệu lực từ năm 1970 nhằm ngăn chặn sự lan rộng của vũ khí hạt nhân và công nghệ vũ khí.

Xung quanh JCPOA, nếu châu Âu không đứng cùng phía với chính phủ Mỹ, các quan chức Iran nói rằng, họ có cơ hội gây chia rẽ P5+1. Một nhà ngoại giao cấp cao và một cựu quan chức đàm phán hạt nhân của Iran bày tỏ tin tưởng các thành viên châu Âu trong nhóm P5+1 không có ý cổ súy chính sách chống Iran của ông Trump. “Hãy nhìn vào khu vực. Khủng hoảng ở khắp nơi, từ Iraq đến Lebanon. Với châu Âu, Iran là một đối tác đáng tin cậy ở khu vực, không chỉ là một đối tác thương mại mà còn là đối tác chính trị”, quan chức này nói.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.