Triều Tiên không bị "đóng băng" dầu mỏ

.

Nghị quyết trừng phạt CHDCND Triều Tiên tuy được thông qua với số phiếu ủng hộ tuyệt đối (15 phiếu thuận, 0 phiếu chống) nhưng nhẹ nhàng hơn nhiều so với bản dự thảo do Mỹ đề xuất. Theo đó, Bình Nhưỡng không bị cấm vận hoàn toàn dầu mỏ.

Tài sản ở nước ngoài của nhà lãnh đạo Kim Jong-un không bị phong tỏa, theo nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.         					                     Ảnh: Reuters
Tài sản ở nước ngoài của nhà lãnh đạo Kim Jong-un không bị phong tỏa, theo nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Ảnh: Reuters

Tối 11-9 (sáng 12-9, giờ Việt Nam), Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) thông qua nghị quyết trừng phạt CHDCND Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của nước này. Song, đây không phải là các biện pháp cứng rắn nhất mà chính phủ của Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất, bởi không có việc cấm vận hoàn toàn dầu mỏ với CHDCND Triều Tiên và loại bỏ “đóng băng” các tài sản ở nước ngoài của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Hãng AP cho biết, nghị quyết trừng phạt mới duy trì lệnh cấm vận khí đốt tự nhiên nhưng chỉ áp đặt mức trần xuất khẩu dầu đã tinh chế sang CHDCND Triều Tiên là 500.000 thùng trong 3 tháng (kể từ ngày 1-10-2017) và 2 triệu thùng trong 12 tháng (kể từ ngày 1-1-2018). Bên cạnh đó, xuất khẩu dầu thô sang CHDCND Triều Tiên bị giới hạn ở mức hiện nay là 2 triệu thùng/năm.

Biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất trong nghị quyết mới là cấm toàn bộ hàng xuất khẩu dệt may của CHDCND Triều Tiên. Hàng dệt may mang lại nguồn thu chính trong hoạt động xuất khẩu của quốc gia này, sau than đá, sắt, hải sản và các khoáng sản khác. Xuất khẩu dệt may của Triều Tiên năm 2016 đạt 752,5 triệu USD, chiếm ¼ trong tổng số 3 tỷ USD xuất khẩu hàng hóa.

Nghị quyết còn cấm các nước cấp phép làm việc mới cho lao động CHDCND Triều Tiên ở nước ngoài, đồng thời tìm cách mở rộng quy mô thực thi lệnh cấm bằng cách yêu cầu các nước tiếp nhận lao động Triều Tiên phải báo cáo với LHQ số lượng người Triều Tiên mà họ tuyển dụng và thời gian kết thúc hợp đồng. Mỹ ước tính hiện có khoảng 93.000 lao động Triều Tiên làm việc tại nước ngoài và biện pháp trừng phạt này sẽ làm Bình Nhưỡng thiệt hại 500 triệu USD/năm.

Hãng AP dẫn lời Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley rằng, nghị quyết rốt cuộc cũng được thông qua sau các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc - đồng minh, đối tác thương mại lớn của CHDCND Triều Tiên. Bà Haley nhận định, nghị quyết không bao giờ được thông qua mà không có “mối quan hệ mạnh mẽ” giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình. Bà Haley gọi đây là “những biện pháp mạnh mẽ nhất từ trước đến nay nhằm vào CHDCND Triều Tiên”, đồng thời nhấn mạnh: “Các bước đi này chỉ hiệu quả nếu được tất cả các quốc gia thực thi hoàn toàn”. Nhà ngoại giao Mỹ cũng cho hay, Washington không cảm thấy hài lòng với việc gia tăng các biện pháp trừng phạt và cường quốc hàng đầu thế giới không muốn chiến tranh.

Các đồng minh của Mỹ ở châu Á hoan nghênh cuộc bỏ phiếu của HĐBA LHQ. Nhật Bản và Hàn Quốc cho rằng, họ sẽ gây áp lực hơn nữa nếu Bình Nhưỡng không ngừng phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Cũng trong ngày 12-9, Phủ Tổng thống Hàn Quốc (Nhà Xanh) cho rằng, cách duy nhất để Bình Nhưỡng không bị cô lập và không bị bao vây kinh tế là phải kết thúc chương trình hạt nhân, nối lại đối thoại. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhận định, biện pháp trừng phạt lần này mạnh hơn những lần trước và thúc giục Bình Nhưỡng có hành động cụ thể hướng đến giải giáp hạt nhân.

Tuy nhiên, các nhà phân tích hoài nghi về tác động của nghị quyết mới. CHDCND Triều Tiên đang đạt được những bước tiến trong chương trình hạt nhân và tên lửa, bất chấp hàng loạt lệnh cấm vận của LHQ. Ông Go Myong-Hyun tại Viện Nghiên cứu chính sách Asan cho rằng, nghị quyết lần này “không đủ để trừng phạt”. Trong khi đó, ông Kim Hyun-Wook tại Viện Ngoại giao quốc gia Hàn Quốc ở Seoul dự đoán, các biện pháp trừng phạt sẽ “chỉ tạo ra cái cớ để Bình Nhưỡng có thêm hành động khiêu khích, như thử tên lửa đạn đạo liên lục địa”.

Mỹ từng tuyên bố giải pháp quân sự là một lựa chọn để đối phó với CHDCND Triều Tiên và dọa cắt quan hệ kinh tế với những nước tiếp tục giao thương cùng Bình Nhưỡng. Song, Bình Nhưỡng lại cho rằng, phát triển vũ khí chính là điều quan trọng để ngăn chặn mối đe dọa từ một cuộc xâm lược của Mỹ.

Một nội dung đáng chú ý của nghị quyết vừa được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua là kêu gọi triển khai các biện pháp ngoại giao, đặc biệt là khôi phục đàm phán sáu bên về hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.