Triều Tiên xuất khẩu trái phép?

.

Các chuyên gia Liên Hợp Quốc cho rằng, CHDCND Triều Tiên đã xuất khẩu hàng hóa trị giá ít nhất 270 triệu USD trong 6 tháng, vi phạm các nghị quyết trừng phạt của quốc tế.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un (thứ hai, từ trái sang) gặp gỡ các nhà khoa học và các tướng lĩnh hàng đầu quân đội CHDCND Triều Tiên.					 					          Ảnh: KCNA
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un (thứ hai, từ trái sang) gặp gỡ các nhà khoa học và các tướng lĩnh hàng đầu quân đội CHDCND Triều Tiên. Ảnh: KCNA

Trong một báo cáo được công bố ngày 9-9, ủy ban gồm 8 chuyên gia Liên Hợp Quốc cho biết, CHDCND Triều Tiên đã xuất khẩu than đá, sắt và các hàng hóa khác trị giá ít nhất 270 triệu USD sang Trung Quốc và các nước khác, trong đó có Ấn Độ, Malaysia, Sri Lanka, trong giai đoạn 6 tháng, tính đến đầu tháng 8 vừa qua. Báo cáo khẳng định, động thái của Bình Nhưỡng vi phạm các nghị quyết trừng phạt của Liên Hợp Quốc.

Các chuyên gia cũng đang điều tra về sự hiện diện của người CHDCND Triều Tiên tại châu Phi và Trung Đông, đặc biệt là ở Syria, “bao gồm sự liên quan của họ trong các hoạt động bị cấm”. Cuộc điều tra này nhằm vào “sự hợp tác vũ khí thông thường, tên lửa đạn đạo và hóa chất cấm” giữa Syria và CHDCND Triều Tiên.

Báo cáo nói trên được hoàn thành trước khi CHDCND Triều Tiên thực hiện thành công vụ thử hạt nhân lần thứ 6 ngày 3-9 vừa qua. Song, đến ngày 9-9, báo cáo này mới được công bố trong lúc Mỹ đang kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bỏ phiếu vào ngày 11-9 để thông qua các biện pháp trừng phạt mới chống CHDCND Triều Tiên. Dự thảo nghị quyết do Mỹ trình đề cập việc cấm vận dầu mỏ đối với Triều Tiên, một lệnh cấm đối với hàng dệt may, đóng băng tài sản của nhà lãnh đạo Kim Jong-un và ngừng trả lương cho các công nhân Triều Tiên đang làm việc tại nước ngoài.

Các chuyên gia Liên Hợp Quốc nhận định: Việc thực thi các biện pháp trừng phạt hiện tại vẫn chưa đạt mục tiêu cốt lõi - phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Các nhà lãnh đạo Mỹ, Pháp và Nhật Bản đang muốn gia tăng sức ép và trừng phạt Bình Nhưỡng, nhất là khi nước này được cho là có thể tiến hành thêm một vụ phóng tên lửa hoặc thử hạt nhân vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên (10-10). Phát biểu với đài NHK ngày 10-9, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera nhấn mạnh cần sự thiết phải gây áp lực với CHDCND Triều Tiên thông qua việc bổ sung các biện pháp trừng phạt. “Nếu chúng ta gây áp lực với CHDCND Triều Tiên để nước này nhận ra rằng không thể phát triển tên lửa, Bình Nhưỡng sẽ chấp nhận đối thoại và chúng ta có thể thúc đẩy những nỗ lực ngoại giao”, Bộ trưởng Onodera nói.

Chưa rõ Hội đồng Liên Hợp Quốc có thông qua dự thảo nghị quyết không, và chưa rõ một lệnh trừng phạt mới có làm CHDCND Triều Tiên lùi bước hay không. Nhưng theo hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA ngày 10-9, nước này mở tiệc chào mừng các nhà khoa học và các chuyên gia kỹ thuật đã tham gia vụ thử bom nhiệt hạch (bom H) - vụ thử hạt nhân lần thứ 6 ngày 3-9 vừa qua, trong đó có 2 nhà khoa học hàng đầu: ông Ri Hong Sop, Giám đốc Viện Vũ khí hạt nhân CHDCND Triều Tiên và ông Hong Sung Mu, Phó trưởng ban Công nghiệp đạn dược thuộc Đảng Lao động Triều Tiên.

Tại buổi tiệc, trước các nhà khoa học và các tướng lĩnh hàng đầu quân đội, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho rằng, vụ thử hạt nhân vừa qua là “chiến thắng vĩ đại của nhân dân Triều Tiên; phải đánh đổi bằng máu; phải thắt lưng buộc bụng trong giai đoạn khó khăn vừa qua”; đồng thời kêu gọi các quan chức “chiến đấu theo tinh thần và cốt cách của các chiến binh hạt nhân”. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un còn yêu cầu các nhà khoa học đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu nhằm tăng cường khả năng răn đe hạt nhân tự vệ.

Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg hiện kêu gọi biện pháp “đáp trả toàn cầu” nhằm vào CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có thông tin chính thức xác nhận Bình Nhưỡng có thật sự sở hữu bom nhiệt hạch hay không.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.