Trung Quốc "tấn công" thương mại điện tử Đông Nam Á

.

Con đường hợp tác, đầu tư rồi sáp nhập và mua lại các doanh nghiệp nhỏ thông qua thương mại điện tử của các đại gia khổng lồ Trung Quốc có thể giết chết khả năng kinh doanh-sản xuất ở Đông Nam Á.

Các doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn trước làn sóng hợp tác đầu tư kinh doanh trực tuyến từ Trung Quốc.
Các doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn trước làn sóng hợp tác đầu tư kinh doanh trực tuyến từ Trung Quốc.

Những tập đoàn thương mại điện tử danh tiếng của Trung Quốc như Alibaba, JD.com hay Tencent trong vài tháng gần đây đầu tư mạnh vào khu vực Đông Nam Á. Chẳng hạn như tuần trước, JD.com bắt tay với Tập đoàn bán lẻ Central của Thái Lan. Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành JD.com, Richard Liu nói với tờ Bangkok Post: “Nhà bán lẻ mạnh nhất Thái Lan có hệ thống cửa hàng rộng lớn là một lợi thế cho chúng tôi trong việc mở rộng kinh doanh ở Đông Nam Á”. Trong khi đó, Giám đốc điều hành Tập đoàn Central, Tos Chirathivat hồ hởi cho rằng làm ăn với JD.com sẽ giúp tập đoàn của mình trở thành nhà bán hàng trực tuyến số một Thái Lan.

Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Thái Lan, Pawoot Pongvitayapanu cho rằng cách hợp tác đầu tư của các đại gia Trung Quốc diễn ra khắp Đông Nam Á là mối đe dọa cho thương mại điện tử của cả khu vực. Các doanh nghiệp và nhà khai thác thị thường thương mại điện tử nhỏ sẽ phải làm việc chăm chỉ hơn nữa mới hy vọng trụ được trong làn sóng đầu tư của đại gia Trung Quốc bởi vì khó có được hệ thống mạnh mẽ như Alibaba hay DJ.com. “Thỏa thuận giữa Tập đoàn Central và JD.com không phải phá vỡ thị trường thương mại điện tử của Thái Lan mà cả các công ty sản xuất hàng tiêu dùng trong nước”, ông Pongvitayapanu lo ngại.

Nhà bán lẻ nổi tiếng tại Malaysia là 11Street cho biết tỷ lệ tham gia mua bán trực tuyến tại quốc gia này chỉ mới ở mức 2,5%. Thương mại điện tử ở Đông Nam Á còn không gian rộng lớn để khai thác nên các đại gia Trung Quốc “tấn công” là điều dễ hiểu. Trong lúc các nhà bán lẻ cũng như khai thác thương mại điện tử Đông Nam Á chậm chạp trong việc đầu tư nâng cấp hệ thống mua bán trực tuyến thì đối tác Trung Quốc tỏ ra nhạy bén. Họ không chỉ có được lợi thế về nền tảng thương mại điện tử mạnh mẽ mà nhanh chóng nhận ra khu vực này khá cục bộ nên không dễ một mình lao vào kinh doanh mà thay vào đó là hợp tác với doanh nghiệp địa phương rồi từng bước sáp nhập, mua lại. Thoạt đầu, người tiêu dùng trong nước cảm nhận được sự hấp dẫn bởi vì hàng hóa đa dạng nhưng từ từ sẽ nhận ra hàng hóa Trung Quốc lấn át hoàn toàn thị trường nội địa.

Nhà bán lẻ 11 Street đã nhận ra nguy cơ đó không chỉ cho chính họ mà cho phần lớn doanh nghiệp nhỏ ở Malaysia. 11 Street mở các lớp huấn luyện về kỹ thuật số, chuyển đổi sang kinh doanh trực tuyến  không chỉ tiếp cận với nhóm khách hàng hiện có mà phát triển ra nhiều khu vực khác cũng như ra tận nước ngoài. Tuy nhiên, một mình 11 Street là quá nhỏ bé trước làn sóng đầu tư mạnh mẽ của các đại gia công nghệ Trung Quốc.

Anh thư (Theo Tech Wire Asia)
 

;
.
.
.
.
.