10 phát ngôn tiết lộ cách nhìn thế giới của Tổng thống Putin

.

Giới quan sát phương Tây đến nay vẫn không khỏi thắc mắc về động lực thực sự của Tổng thống Nga Vladimir Putin sau nhiều năm lãnh đạo chính trường Nga. Song thực tế, đằng sau quá trình ra quyết định của Điện Kremlin là những quan điểm thể hiện nhất quán qua những bình luận của người đứng đầu chính phủ Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và người đồng cấp Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và người đồng cấp Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters)

 "Mỹ là một cường quốc"

Trong bài phát biểu tại Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersburg tháng 6/2016, Tổng thống Putin nói rằng: "Mỹ là một cường quốc. Có lẽ là cường quốc duy nhất hiện nay. Chúng tôi chấp nhận điều đó và sẵn sàng hợp tác với họ. Điều mà chúng tôi không cần đó là việc họ can thiệp vào các vấn đề của chúng tôi, bảo chúng tôi phải sống như thế nào, hay ngăn cản châu Âu thiết lập quan hệ với chúng tôi".

Về cáo buộc Nga can thiệp vào nước ngoài

"Đó là chiến dịch tuyên truyền không ngừng của truyền thông Mỹ và sự tài trợ trực tiếp của các tổ chức phi chính phủ Mỹ... Hãy lấy quả địa cầu, xoay một vòng và đặt ngón tay của các bạn vào bất cứ đâu, tôi có thể đảm bảo rằng ở đó có các lợi ích của Mỹ, có sự can thiệp của Mỹ. Người Mỹ muốn gì? Để mọi người phải cúi đầu tôn trọng", ông Putin nói hồi tháng 6/2017.

Về châu Âu

"Liệu các nước châu Âu được hưởng lợi khi tuyệt đối phục vụ cho mục đích chính sách đối ngoại và thậm chí đối nội của Washington? Tôi không chắc. Đây có phải là mục đích của nền chính trị nghiêm túc, và vai trò của các quốc gia này sẽ tiếp tục nếu họ muốn tự gọi là cường quốc”, Tổng thống Putin nói tại một diễn đàn đầu tư vào tháng 10/2016.

Về NATO

Binh sĩ NATO diễn tập quân sự ở Lithuania năm 2014. (Ảnh: AP)
Binh sĩ NATO diễn tập quân sự ở Lithuania năm 2014. (Ảnh: AP)

"Không còn Liên Xô, không còn Khối phía Đông. Theo quan điểm của tôi, NATO cần một kẻ thù bên ngoài để biện minh cho sự tồn tại của mình do đó họ luôn phải tìm kiếm cho mình một kẻ thù, và khiêu khích để tạo ra kẻ thù ở những nơi không có... Ngày nay NATO là một công cụ trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Họ không có đối tác nào ở đó mà chỉ có các chư hầu", ông Putin trả lời phỏng vấn đạo diễn người Mỹ Oliver Stone hồi tháng 6/2017.

Về Trung Đông

"Đang có một thế lực tìm cách định hình lại khu vực này và áp đặt mô hình bên ngoài vào đây thông qua thay đổi chế độ hoặc sử dụng vũ lực. Thay vì đấu tranh chống chủ nghĩa cực đoan, thay vì làm theo một cuộc chiến như vậy, một số thế lực ngang hàng với chúng tôi muốn biến sự hỗn loạn trở thành vĩnh viễn”, ông Putin nói tại Hội nghị Valdai tháng 10/2017.

Về Triều Tiên

Một vụ thử tên lửa của Triều Tiên (Ảnh: Reuters)
Một vụ thử tên lửa của Triều Tiên (Ảnh: Reuters)

 "Tất nhiên chúng tôi lên án các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên và tuân thủ tất cả các nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên để giải quyết vấn đề này cần có sự đối thoại, chứ không phải dồn Triều Tiên vào đường cùng bằng các đe dọa quân sự, hay đặt biệt danh và ‘khẩu chiến’ công khai bằng những lời phỉ báng. Dù quý vị có thích chính quyền Bình Nhưỡng hay không, quý vị cũng cần phải công nhận rằng Triều Tiên là một quốc gia có chủ quyền", Tổng thống Putin nói tại Hội nghị Valdai tháng 10/2017.

Về lật đổ Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovich

"Những gì xảy ra ở Kiev là một cuộc tiếm quyền vi hiến, có vũ trang. Ông Viktor Yanukovich đã từ bỏ quyền lực và không còn cơ hội tái tranh cử. Tại sao Ukraine rơi vào hỗn loạn? Tại sao biểu tình đòi quyền lực? Đây là một quyết định ngớ ngẩn và gây tác dụng ngược. Tôi tin rằng đó là những hành động làm mất ổn định tình hình ở miền đông nước này”, ông Putin phát biểu trong cuộc họp báo hồi tháng 3/2014.

Về chính quyền ở Kiev

Đụng độ ở quảng trường Maiden (Kiev) tháng 2/2014 (Ảnh: Sputnik)
Đụng độ ở quảng trường Maiden (Kiev) tháng 2/2014 (Ảnh: Sputnik)

 “Người dân Nga và Ukraine có chung lợi ích. Điều không giống nhau là mục đích của chính quyền Ukraine và giới tinh hoa… Họ chỉ có điểm mạnh duy nhất để xuất khẩu là sự kỳ thị Nga và sự chia rẽ chính trị giữa hai nước", ông Putin nói tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Đức hồi tháng 7/2017.

Về hệ thống chính trị của Nga

“Chế độ quân chủ đã được truyền lại từ Đế quốc sang thời Liên Xô tuy cách thể hiện bên ngoài có sự thay đổi. Chỉ đến đầu những năm 1990, các sự kiện diễn ra đã đặt nền móng cho một giai đoạn phát triển mới của Nga", ông Putin trả lời phỏng vấn của đạo diễn Oliver Stone tháng 6/2017.

Vai trò của Nga trên trường quốc tế

“Nga là một đất nước với lịch sử nghìn năm và gần như luôn được hưởng đặc quyền của chính sách đối ngoại có chủ quyền. Ngày nay, chúng tôi cũng sẽ không đi ngược lại với truyền thống này. Ngoài ra, chúng tôi cũng hiểu rõ thế giới đã và đang thay đổi như thế nào và chúng tôi có một nhìn nhận rất thực tế về tiềm lực và các cơ hội của mình. Chúng tôi muốn tương tác với tất cả các đối tác độc lập, có trách nhiệm để có thể hợp tác xây dựng một trật tự thế giới dân chủ, công bằng, đảm bảo an ninh và thịnh vượng không chỉ cho một vài quốc gia mà cho tất cả”, ông Putin phát biểu tại Munich tháng 2/2007.

Theo Dân trí

;
.
.
.
.
.