Chính trường Anh rối loạn

.

Chỉ trong vòng một tuần, nội các của Thủ tướng Anh Theresa May mất thêm một thành viên khi Bộ trưởng Phát triển quốc tế Priti Patel xin từ chức.

Bộ trưởng Phát triển quốc tế Anh Priti Patel đã đệ đơn từ chức.				             Ảnh: Reuters
Bộ trưởng Phát triển quốc tế Anh Priti Patel đã đệ đơn từ chức. Ảnh: Reuters

Lý do khiến bà Priti Patel từ chức khá rõ ràng, nếu căn cứ những thông tin mà truyền thông chính thống của Anh và truyền thông quốc tế truyền đạt. Theo đó, bà Patel đã bí mật hội đàm với hàng chục chính trị gia, doanh nhân và các nhà hoạt động chính trị nổi bật của Israel, trong đó có cả Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu; ông Yuval Rotem, quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Israel và ông Yair Lapid, Chủ tịch đảng Yesh Atid - một trong những đảng liên minh với đảng của Thủ tướng Netanyahu…

Khoảng 14 cuộc hội đàm bí mật như vậy đã diễn ra trong kỳ nghỉ của gia đình bà Patel vào mùa hè vừa qua nhưng đến nay thông tin mới được tiết lộ. Hoạt động này bị cho là vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc ngoại giao của Anh.

Bà Patel bị triệu hồi về nước khi đang ở Kenya trong chuyến công du Uganda và Ethiopia. Trong bức thư xin từ chức, bà Patel thừa nhận hành vi của mình “không đáp ứng những tiêu chuẩn cao được kỳ vọng đối với một bộ trưởng”. Dù bà Patel xin lỗi trong đơn từ chức nhưng vẫn bị Thủ tướng Theresa May chỉ trích gay gắt về hành xử vi phạm nguyên tắc ngoại giao.

Việc bà Patel rời cương vị tiếp tục đẩy chính phủ của Thủ tướng May vào tình trạng đã rối nay còn rối hơn. Mới tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Michael Fallon đệ đơn từ chức sau khi các bê bối liên quan hành vi quấy rối tình dục của ông cách đây 15 năm bỗng dưng bị phanh phui.

Cùng với đó, một trợ lý cấp cao khác - người được mặc định như phó thủ tướng của bà May, ông Damian Green, hứng nhận búa rìu dư luận và bị Văn phòng Nội các điều tra về việc từng lưu trữ các video cũng như hình ảnh khiêu dâm cực đoan trong máy tính từ năm 2008. Đó là chưa kể công luận còn kêu gọi bà May phải sa thải Ngoại trưởng Boris Johnson do liên quan tới cáo buộc ông này đã có những can thiệp dẫn tới kéo dài án tù đối với một phụ nữ người Anh bị giam ở Iran.

Với những diễn biến không mong muốn như trên, Thủ tướng May sẽ phải tiến hành một cuộc cải tổ khác cho chính phủ thiểu số. Quá trình cải tổ này có thể tiếp tục gây ra những xáo trộn và làm gia tăng cảm giác bất ổn trong chính trường Anh, nhất là khi bà May đang chật vật chèo chống để duy trì quyền kiểm soát với chương trình hành động mà bà và đảng Bảo thủ chủ trương.

Trong một diễn biến khác liên quan, Liên minh châu Âu (EU) vừa thông báo dành cho nước Anh từ 2-3 tuần để trình bày kế hoạch thanh toán “hóa đơn ly dị”, một trong những vấn đề cốt lõi để tiếp tục khai thông những cuộc đàm phán Brexit trọng yếu tiếp theo. Tờ Financial Times dẫn nguồn tin không chính thức cho biết về hạn chót mà EU đưa ra với Anh; theo đó, trừ khi London có thể đưa ra đề nghị thanh toán thỏa đáng trong tháng này, nếu không EU sẽ không thể thực thi các nguyên tắc liên quan những vòng đàm phán Brexit tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng 12 tới.

Việc EU đưa ra hạn chót cho việc thanh toán “hóa đơn ly dị” nhằm tăng sức ép với Anh trong việc nước này phải sớm có quyết định dứt khoát để giải quyết thế bế tắc cho đàm phán. Hạn chót này cũng là một trong những điểm tranh cãi chính khi các nhà thương thuyết của Anh và EU gặp nhau trong vòng đàm phán Brexit ngày 9-11 ở Brussels (Bỉ).

Trong khi chính phủ của bà May mong muốn bắt đầu đàm phán về quá trình chuyển đổi càng sớm càng tốt để giải tỏa những lo lắng của doanh nghiệp thì giới ngoại giao EU lại dùng dằng trong tình thế mà họ mô tả là “kiểu con gà và quả trứng”. EU kiên định quan điểm rằng, nước Anh cần phải giải quyết xong vấn đề tài chính rồi “muốn nói gì thì nói”. Theo đó, họ sẽ chỉ bắt đầu soạn thảo các nguyên tắc về lộ trình rời khối của Anh chỉ khi nào London giải quyết xong các vấn đề tài chính trước khi kết thúc tháng 11.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
.
.
.
.
.