Khủng hoảng Catalonia khó chấm dứt

.

Việc chính phủ Tây Ban Nha thực thi những biện pháp mang tính pháp lý đối với khu vực Catalonia đang gây chia rẽ sâu sắc quốc gia châu Âu này. Song, cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất ở Tây Ban Nha trong 40 năm qua sẽ khó chấm dứt.

Những người ủng hộ sự thống nhất của Tây Ban Nha tràn xuống đường phố Barcelona chống lại việc Catalonia tuyên bố độc lập. 			                         Ảnh: AFP
Những người ủng hộ sự thống nhất của Tây Ban Nha tràn xuống đường phố Barcelona chống lại việc Catalonia tuyên bố độc lập. Ảnh: AFP

Hãng AP dẫn lời các quan chức châu Âu cho biết, Thủ hiến bị phế truất của Catalonia, ông Carles Puigdemont, phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Brussels (Bỉ) vào chiều 31-10, trong lúc có những đồn đoán ông sẽ xin tị nạn chính trị tại Bỉ. Ông Puigdemont đến Bỉ ngày 30-10, cùng ngày các công tố viên Tây Ban Nha tìm cách buộc tội 14 thành viên chính quyền vùng Catalonia với các tội danh: nổi loạn, xúi giục nổi loạn và biển thủ công quỹ, trong đó có ông Puigdemont. Ngoài ra, 6 thành viên khác của nghị viện cũng có thể bị xếp vào danh sách này, nhưng sẽ xét xử trong một phiên tòa riêng rẽ.

Phát biểu tại Brussels, ông Puigdemont khẳng định sẽ trở về nước ngay lập tức nếu chính phủ Tây Ban Nha bảo đảm tiến trình pháp lý công bằng. Cựu lãnh đạo vùng Catalonia nói rằng, ông đến Bỉ để hành động “trong tự do và an toàn”, chứ không tìm kiếm tị nạn và ông chọn Brussels vì thành phố này là “thủ đô của châu Âu”. Đồng thời, ông cũng chấp nhận cuộc bầu cử khu vực vào ngày 21-12 tới.

Cũng trong ngày 31-10, Ngoại trưởng Tây Ban Nha Alfonso Dastis nói rằng, ông sẽ ngạc nhiên nếu Bỉ cấp tị nạn chính trị cho ông Puigdemont. Theo Reuters, bất kỳ việc chấp nhận tị nạn nào ở Bỉ cũng có thể dẫn đến căng thẳng ngoại giao giữa hai nước thành viên Liên minh châu Âu (EU). “Nếu Bỉ cấp tị nạn cho ông Puigdemont, tình hình sẽ không bình thường”, Ngoại trưởng Dastis nói.

Chính phủ Trung ương Tây Ban Nha đã giải tán nghị viện Catalonia. Chủ tịch cơ quan này, bà Carme Forcadell, sẽ đứng đầu một ủy ban chuyển tiếp gồm các nghị sĩ cho đến khi bầu cử địa phương vào ngày 21-12. Việc các nhà lãnh đạo ly khai ở Catalonia chống lại chính phủ Madrid đã thất bại và cuộc bầu cử ngày 21-12 được xem là giải pháp để thoát khỏi khủng hoảng. Tuy nhiên, ông Puigdemont vẫn được cho là cái gai trong mắt Madrid.

Nếu chính phủ Tây Ban Nha khởi tố ông Puigdemont, cựu Thủ hiến Catalonia có thể bị bắt giữ và nếu bị kết án, ông sẽ có thể nhận án lên đến 30 năm tù giam. Ngoài ra, cả ông Puigdemont lẫn bà Forcadell đều đối mặt với cáo buộc bất tuân dân sự và sử dụng sai quỹ.

Một số nhà lãnh đạo Catalonia bị phế truất, trong đó có ông Puigdemont và Phó Thủ hiến Junqueras, nói rằng sẽ không chấp nhận việc bị sa thải. Song, các đảng của họ, PdeCat và Esquerra Republicana de Catalunya (ERC) cho biết, những đảng này vẫn sẽ tham gia cuộc bầu cử, nghĩa là ngầm chấp nhận việc chính phủ Trung ương Madrid trực tiếp cai quản Catalonia.

Điều đáng nói là khủng hoảng Catalonia đang gây chia rẽ sâu sắc trong xã hội Tây Ban Nha. Hãng Reuters dẫn 2 kết quả thăm dò dư luận cho thấy sự ủng hộ Catalonia trở thành nhà nước độc lập giảm. Thăm dò của Sigma Dos cho hay, chỉ 33,5 người dân Catalonia ủng hộ độc lập, trong khi thăm dò của Metroscopia cho kết quả con số này chỉ ở mức 29%, so với 41,14% hồi tháng 7 vừa qua.

Theo lực lượng phản đối ly khai, đa số người dân Catalonia muốn ở lại Tây Ban Nha và họ đã không tham gia cuộc trưng cầu dân ý ngày 1-10 vừa qua. Song, một số nhà phân tích lại cho rằng, sự chia rẽ này vẫn sẽ tồn tại. Chuyên gia kinh tế Raj Badiani tại IHS Markit ở London (Anh) nhận định: Tây Ban Nha đang trong giai đoạn chia rẽ, cũng như Vương quốc Anh và vấn đề Brexit (Anh rời EU).

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.