Pháp kiến tạo hòa bình Trung Đông

.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang nỗ lực thực hiện sứ mệnh mới: kiến tạo hòa bình Trung Đông xung quanh cuộc khủng hoảng chính trị ở Lebanon. Tuy nhiên, Iran cho rằng, Pháp đang kích động khủng hoảng ở khu vực này.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) gặp gỡ Thủ tướng Lebanon Saad al-Hariri ngày 1-9-2017 tại Paris. 				Ảnh: AP
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) gặp gỡ Thủ tướng Lebanon Saad al-Hariri ngày 1-9-2017 tại Paris. Ảnh: AP

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hiện muốn tháo gỡ khủng hoảng chính trị ở Lebanon và giữ sự ổn định ở Trung Đông. Hãng AP gọi đây là “nước cờ rủi ro” nhưng ông Macron có thể làm tốt hơn bất kỳ chính trị gia nào khác trong lúc này.

Cũng theo AP,  sứ mệnh của Tổng thống Macron sẽ phụ thuộc vào những gì xảy ra khi Thủ tướng Lebanon Saad al-Hariri đến Pháp và gặp gỡ ông chủ Điện Elysée vào hôm nay (18-11). Ông Hariri có thể được phép rời Saudi Arabia, nơi mà có thông tin cho rằng đã giam giữ ông kể từ sau khi bất ngờ tuyên bố từ chức Thủ tướng. Tổng thống Macron nói rằng, ông đã mời Thủ tướng Hariri và gia đình ông này đến Paris trong một vài ngày, đồng thời muốn ông Hariri sớm trở về Lebanon. Tuy nhiên, việc ông Hariri trở về nước có thể làm phức tạp thêm tình hình ở Lebanon.

Thủ tướng Hariri đã tuyên bố từ chức vào ngày 4-11 khi đang ở Saudi Arabia và từ đó chưa trở về nước cũng như không thể liên lạc được. Tổng thống Lebanon Michel Aoun công khai cáo buộc Saudi Arabia “giam giữ” ông Hariri, đồng thời cho rằng hành động này trái với Công ước Vienna và vi phạm nhân quyền. Phía Saudi Arabia bác bỏ cáo buộc này.

Khi tuyên bố từ chức, ông Hariri cũng bày tỏ quan ngại xung quanh sự can thiệp của Iran và nhóm chiến binh Shiite Hezbollah - đồng minh của Tehran ở Lebanon - trong các vấn đề khu vực. Việc ông Hariri từ chức được cho là do Saudi Arabia xúi giục và làm dấy lên lo ngại rằng Lebanon sẽ bị đẩy là cuộc chiến tranh giành quyền lực tối cao ở khu vực.

Saudi Arabia - một hệ phái hà khắc trong Hồi giáo Sunni - ủng hộ ông Hariri, còn Iran - theo dòng Shiite - bảo trợ cho Hezbollah. Hơn nữa, Hezbollah vốn bị tình nghi đứng sau vụ ám sát ông Rafic Hariri (cha của ông Saad al-Hariri) vào tháng 2-2005 lúc đó là Thủ tướng Lebanon. Vô hình trung Lebanon hiện bị kẹt trong cuộc đọ sức giữa Saudi Arabia và Iran.

Trong lúc đó, Pháp vốn có mối quan hệ hàng thế kỷ với Lebanon và “nghĩa vụ đối với Lebanon là một phần trong chính sách đối ngoại của Paris”, như nhận định của Chủ tịch Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế Francois Heisbourg.

Ông Heisbourg cho rằng, việc chủ trì cuộc gặp gỡ với ông Hariri tại Pháp “không mang lại bất kỳ ý tưởng gì cho một giải pháp chính trị” đối với vấn đề ở Lebanon nhưng có thể xoa dịu những phản ứng của Saudi Arabia và qua đó chứng minh Riyadh không giam giữ nhà lãnh đạo Beirut. Vì vậy, Paris có thể giúp làm giảm căng thẳng trong lúc chờ đợi một giải pháp lâu dài. Theo AP, việc Pháp muốn làm trung gian giải quyết khủng hoảng ở Lebanon là một chiến lược mở rộng hơn của Tổng thống Macron nhằm tái khẳng định vai trò của quốc gia này ở Trung Đông.

Kể từ khi tiếp quản Điện Elysée cách đây 6 tháng, Tổng thống Macron - một người thân châu Âu - ủng hộ những lợi ích của toàn cầu hóa nên tìm cách nâng vị thế quốc tế của Pháp. Tuần trước, ông Macron đã có chuyến công du bất ngờ đến Riyadh, gặp gỡ Thái tử Mohammed Bin Salman; bàn thảo về khủng hoảng Lebanon với Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres vào ngày 15-11 và trong tuần này có hàng loạt cuộc điện đàm để sắp xếp cho sự hiện diện của ông Hariri tại Pháp.

Dường như ông Macron không chỉ muốn xoa dịu khủng hoảng ở Lebanon mà còn muốn kiềm chế phản ứng tức giận của Saudi Arabia đối với các đối thủ ở vùng Vịnh. Một nhà ngoại giao Pháp nói rằng, Paris muốn các nhà đối thoại Saudi Arabia không can thiệp vào các vấn đề của những nước khác ở khu vực. Ông Macron cũng đang muốn duy trì quan hệ tốt đẹp với giới chức Iran và chuyến thăm của nhà lãnh đạo Pháp đến Tehran sẽ diễn ra vào đầu năm 2018.

Tuy nhiên, Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qasemi cáo buộc Pháp kích động căng thẳng ở Trung Đông, xuất phát từ việc Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian bày tỏ lo ngại về những mục đích “bá chủ” của Tehran tại Trung Đông. Nhà ngoại giao hàng đầu của Pháp còn băn khoăn về sự liên quan của Iran trong khủng hoảng Trung Đông và chương trình tên lửa đạn đạo gây nhiều tranh cãi của quốc gia này.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.