Thỏa thuận Paris về khí hậu: Các nước chưa gạt bỏ bất đồng

Ngày 17-11, Hội nghị lần thứ 23 của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP 23) bế mạc tại thành phố Bonn (Đức). Trong 2 tuần, các đại diện ngoại giao của gần 200 quốc gia đã đàm phán về một “bộ quy tắc” sẽ có hiệu lực vào năm 2018 nhằm đưa Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vào thực tế.

Tại COP 23, những cách biệt giữa các nước giàu và các nước đang phát triển một lần nữa được đặt ra. Rào cản quan trọng là vấn đề tài chính cho các quốc gia nghèo hơn nhằm chuẩn bị và đối phó với hậu quả từ biến đổi khí hậu, trong đó có những cơn siêu bão, hạn hán, nước biển dâng ngày càng thường xuyên và khốc liệt. Các quốc gia phát triển - với Mỹ dẫn đầu - cho rằng tất cả các nước cần thực hiện nghĩa vụ giống nhau khi tham gia Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Trong khi đó, các nước đang phát triển muốn tạm hoãn các quy định giảm khí thải nhà kính ở mức độ nhất định. Hơn nữa, quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Judith Garber khẳng định Washington cam kết hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhưng theo cách không ảnh hưởng đến an ninh năng lượng hay sự cạnh tranh của thị trường.

Kéo dài từ ngày 6-11 đến 17-11, COP 23 là hội nghị về biến đổi khí hậu đầu tiên của cơ quan khí hậu LHQ kể từ lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp định Paris. Theo quy định, Mỹ chỉ có thể rút khỏi thỏa thuận vào tháng 11-2020. Từ nay đến lúc đó, Washington sẽ vẫn tiếp tục tham dự các cuộc thảo luận.

Về cơ bản, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đưa ra các biện pháp nhằm kiềm chế tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu không quá 2 độ C, thậm chí 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

KHANG NINH

;
.
.
.
.
.