Tổng thống Zimbabwe không từ chức

.

Người dân Zimbabwe đang đối mặt với tương lai không ổn định sau khi quân đội nắm quyền và quản thúc vị Tổng thống 93 tuổi Robert Mugabe. Trong lúc đó, ông Mugabe tuyên bố không từ chức.

Tổng thống Robert Mugabe và phu nhân Grace. 		                               Ảnh: AP
Tổng thống Robert Mugabe và phu nhân Grace. Ảnh: AP

Quân đội tuyên bố việc phong tỏa thủ đô Harare, kiểm soát các cơ quan nhà nước, tiếp quản Đài truyền hình quốc gia, quản thúc Tổng thống Robert Mugabe và phu nhân Grace Mugabe tại nhà riêng không phải là hành động đảo chính, mà chỉ nhằm “truy lùng các phần tử tội phạm” xung quanh Tổng thống. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, những gì xảy ra mang đầy đủ dấu hiệu đảo chính chống lại nhà lãnh đạo già nhất thế giới, người đã điều hành Zimbabwe suốt 37 năm; đồng thời làm dấy lên quan ngại về những động thái không thể đoán định của quân đội. Theo những người ủng hộ quân đội, dường như “đế chế” Mugabe đã kết thúc trong “sự chuyển hướng không đổ máu”.

Theo hãng AFP, nhiều người dân Zimbabwe đang hy vọng khủng hoảng lần này sẽ đánh dấu sự khởi đầu của một tương lai tốt đẹp hơn. “Tình hình kinh tế của chúng tôi xấu đi mỗi ngày, không việc làm”, anh Tafadzwa Masango (35 tuổi) hiện thất nghiệp nói với AFP. Tuy nhiên, hầu hết người dân ở thủ đô Harare không bận tâm đến sự hiện diện của quân đội trên đường phố; họ vẫn đi lại và thực hiện các công việc thường ngày, trong khi các nhà phân tích đồn đoán rằng ông Mugabe và quân đội có thể đang đàm phán về sự chuyển giao.

Ngày 16-11, Cộng đồng Phát triển miền nam châu Phi (SADC) - khối gồm 15 quốc gia thành viên - nhóm họp khẩn tại nước láng giềng Botswana để bàn về khủng hoảng Zimbabwe. Các bộ trưởng Nam Phi, quốc gia đang giữ cương vị Chủ tịch SADC, gồm Bộ trưởng Quốc phòng Nosiviwe Mapisa-Nqakula và Bộ trưởng An ninh Bongani Bongo cùng các đặc sứ cũng đã đến Harare để trao đổi với quân đội và ông Mugabe. Quân đội dường như muốn ông Mugabe lặng lẽ rời nhiệm sở và cho phép chuyển giao quyền lực êm thấm cho cựu Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa. Một tuyên bố chung của hơn 100 nhóm xã hội dân sự cũng thúc giục ông Mugabe từ chức trong hòa bình và đề nghị quân đội nhanh chóng khôi phục trật tự, tôn trọng hiến pháp.

Tuy nhiên, Reuters cho biết, Tổng thống Mugabe khẳng định ông vẫn là nhà lãnh đạo hợp pháp duy nhất của Zimbabwe và không có ý tự nguyện từ chức trước khi diễn ra cuộc bầu cử vào năm tới.
Ông Mugabe đã lãnh đạo đất nước giành độc lập từ Vương quốc Anh vào năm 1980, chấm dứt chế độ cai trị của người da trắng. Song, những năm gần đây, chính phủ Zimbabwe bị bủa vây với những cáo buộc tham nhũng. Zimbabwe trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ lạm phát cao nhất trong lịch sử thế giới hiện đại.

Khủng hoảng lần này xuất phát từ cuộc đấu tranh giành quyền lực giữa đệ nhất phu nhân Grace và cựu Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa, vốn gây chia rẽ đảng cầm quyền Liên minh Quốc gia châu Phi Zimbabwe - Mặt trận Yêu nước (ZANU-PF). Cả hai đều là ứng cử viên tổng thống.

Tuần trước, Tổng thống Mugabe sa thải Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa, dọn đường để bà Grace trở thành người kế nhiệm ông. Động thái này càng đẩy mâu thuẫn trong nội bộ ZANU-PF lên cao.

Theo các nhà quan sát, tham vọng chính trị của bà Grace đã làm ông Mugabe trượt khỏi đỉnh cao quyền lực. Việc sa thải ông Mnangagwa, người được quân đội ủng hộ, là sai lầm nghiêm trọng của Tổng thống Mugabe. Chỉ vài ngày sau đó, Tư lệnh quân đội đã chỉ trích sự bất ổn trong đảng cầm quyền.

ZANU-PF dự kiến tổ chức đại hội đảng vào tháng 12 tới và bà Grace được cho là sẽ được bầu làm Phó Tổng thống. Tuy nhiên, sau cuộc “binh biến”, nếu ZANU-PF tổ chức đại hội sẽ là cơ hội cho ông Mnangagwa và các đồng minh củng cố quyền lực trong đảng này.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.