Úc muốn Mỹ gia tăng hiện diện ở châu Á

.

Úc kêu gọi Mỹ gia tăng sự hiện diện ở châu Á, thúc đẩy quan hệ với các đối tác nhưng cũng cảnh báo về ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực.

Sách Trắng của Úc nhấn mạnh mối liên minh chặt chẽ với Mỹ. Trong ảnh: Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull (phải) trong một cuộc gặp gỡ Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: EPA
Sách Trắng của Úc nhấn mạnh mối liên minh chặt chẽ với Mỹ. Trong ảnh: Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull (phải) trong một cuộc gặp gỡ Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: EPA

Ngày 23-11, chính phủ Úc công bố Sách Trắng về chính sách đối ngoại đầu tiên của nước này trong 13 năm qua, trong đó nhấn mạnh mối liên minh với Mỹ.

Theo Reuters, Sách Trắng dày 115 trang cho rằng, Mỹ vẫn nên duy trì vị thế lãnh đạo toàn cầu và liên minh với Mỹ là nguyên tắc căn bản của an ninh Úc, cần được mở rộng, làm sâu sắc hơn. “Úc tin rằng, các thách thức quốc tế chỉ có thể được xử trí hiệu quả khi có một quốc gia giàu nhất, sáng tạo nhất và hùng mạnh nhất tham gia giải quyết”, Sách Trắng nêu.

Nội dung Sách Trắng không đề cập đến Tổng thống Mỹ Donald Trump, hoặc chủ trương “Nước Mỹ là trên hết” của ông. Song, văn bản cảnh báo quan ngại ở Mỹ về vai trò lãnh đạo toàn cầu và một số ảnh hưởng của toàn cầu hóa.  Văn bản cũng nhấn mạnh, sự tham gia mạnh mẽ và bền vững của Mỹ trong hệ thống quốc tế vẫn là nền tảng cho sự ổn định và thịnh vượng quốc tế. Nếu Mỹ rút khỏi mạng lưới các liên minh mà Washington đã gây dựng khắp châu Á, hoặc rút các tàu sân bay và tầu ngầm khỏi khu vực Thái Bình Dương sẽ dẫn đến nguy cơ bùng nổ xung đột, khiến toàn bộ khu vực trở nên khó đoán định và nguy hiểm hơn. Theo đó, Trung Quốc sẽ “lấp chỗ trống”.

Úc là một trong những đồng minh bền vững nhất của Mỹ. Quân đội hai nước cũng đã sát cánh với nhau trong tất cả các cuộc xung đột lớn, như ở Afghanistan và Trung Đông. Tuy nhiên, sự tăng trưởng kinh tế và quyền lực mà Mỹ có từ sau Thế chiến thứ hai hiện bị thách thức bởi Trung Quốc.

Úc và Trung Quốc có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ nhưng Bắc Kinh hoài nghi về mối quan hệ quân sự thân thiết giữa Canberra với Washington. Quan hệ giữa Úc và Trung Quốc xuống thấp trong năm nay sau khi Canberra từ chối đầu tư của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong một liên doanh khai thác quặng sắt ở vùng Woomera do lo ngại an ninh quốc gia. Hơn nữa, Úc cũng tỏ ra không hồ hởi với tham vọng của Bắc Kinh trong sáng kiến “Vành đai và Con đường”, vốn nhằm kết nối Trung Quốc với châu Âu thông qua các dự án cơ sở hạ tầng.

Trong Sách Trắng, Úc cảnh báo về những rủi ro, nhất là ở khu vực “Indo-Pacific” khi đang có sự thay đổi cán cân quyền lực. “Một thập niên tới sẽ khó khăn bởi với sự trỗi dậy của Trung Quốc, khu vực của chúng ta đang thay đổi theo cách chưa từng có…”, Sách Trắng viết.  

Tuy nhiên, Úc vẫn cam kết xây dựng “mối quan hệ mạnh mẽ với Trung Quốc”, nhưng cũng ủng hộ vai trò dẫn dắt toàn cầu của Mỹ. “Nếu không có sự ủng hộ vững chắc của Mỹ, hiệu quả và tính tự do của trật tự thế giới sẽ giảm sút”, Sách Trắng viết. Theo AFP, Úc tự xây dựng nước này là người trung gian giữa hai siêu cường.

Mỹ và một số đồng minh thời gian gần đây bày tỏ quan niệm về “Indo-Pacific”, thay vì “Asia-Pacific” (châu Á - Thái Bình Dương), nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của Trung Quốc. Và cụm từ “Indo-Pacific” (liên Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương) được đề cập trong Sách Trắng về chính sách đối ngoại của Úc đến 120 lần, mà không hề nhắc đến “Asia-Pacific”. Bà Jane Golley, Phó Giám đốc Trung tâm về Trung Quốc trên thế giới, thuộc Đại học quốc gia Úc nhận định, chính phủ Canberra một mặt ghi nhận những lợi ích kinh tế từ sự trỗi dậy của Trung Quốc, nhưng mặt khác lại “đẩy Bắc Kinh ra xa”.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.