Tiến trình hòa bình Trung Đông

Palestine không chấp nhận vai trò của Mỹ

.

Nhà lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas khẳng định người dân của ông không chấp nhận vai trò của Mỹ trong tiến trình hòa bình Trung Đông sau khi Tổng thống Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Nhà lãnh đạo Palestine Mahmoud (trái) gặp gỡ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại Istanbul. Ảnh: AP
Nhà lãnh đạo Palestine Mahmoud (trái) gặp gỡ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại Istanbul. Ảnh: AP

Hội nghị thượng đỉnh bất thường của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) gồm 57 thành viên diễn ra ở thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 13-12 là diễn đàn để những quốc gia này phản ứng lại quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump xung quanh vấn đề Jerusalem. Hội nghị này được tổ chức theo lời kêu gọi của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhằm bày tỏ quan điểm của thế giới Hồi giáo trong việc chống lại động thái của ông chủ Nhà Trắng.

Hãng AP cho biết, phát biểu trước các nhà lãnh đạo và quan chức hàng đầu của các nước, nhà lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas khẳng định, từ nay trở đi, người dân nước ông sẽ không chấp nhận bất kỳ vai trò của Mỹ trong tiến trình hòa bình Trung Đông. Ông Abbas mô tả quyết định của Tổng thống Trump đe dọa hòa bình thế giới; đồng thời kêu gọi Liên Hợp Quốc (LHQ) đảm nhận tiến trình hòa bình và tạo ra một cơ chế mới, bởi Washington không còn phù hợp với nhiệm vụ này. Ông Abbas cũng nói rằng, người Palestine cam kết ủng hộ một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine nhưng sau “phán quyết” của Tổng thống Trump đối với Jerusalem, Washington không còn là nhà thương thuyết công bằng nữa. Trong một thông điệp mạnh mẽ hơn, nhà lãnh đạo Palestine cảnh báo, có thể không có hòa bình và ổn định ở Trung Đông cho đến khi nào Jerusalem được công nhận là thủ đô của nhà nước Palestine.

Trong khi đó, Tổng thống Erdogan, Chủ tịch hiện tại của OIC, kêu gọi các nước cấp thiết công nhận nhà nước Palestine và Jerusalem là thủ đô của nhà nước này. Ông Erdogan là một trong những nhà lãnh đạo chỉ trích gay gắt tuyên bố của Tổng thống Trump. Phát biểu tại hội nghị OIC lần này, ông thậm chí nói rằng, Israel là một “nhà nước xâm chiếm” và một “nhà nước khủng bố”.

Trao đổi với những người đồng cấp OIC, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nhấn mạnh, quyết định của Mỹ nhằm “hợp pháp hóa nỗ lực của Israel trong việc chiếm Jerusalem”. “Họ mong muốn các nước Hồi giáo im lặng, nhưng chúng ta sẽ không bao giờ im lặng. Quyết định của Mỹ không có giá trị đối với chúng ta”, ông Cavusoglu nói.

Theo Reuters, có mặt tại Istanbul, Tổng thống Iran Hassan Rouhani bày tỏ mong muốn tất cả các nước Hồi giáo hợp tác cùng nhau để bảo vệ quyền của người dân Palestine. Ông Rouhani nhận định, tuyên bố của Tổng thống Mỹ về Jerusalem thể hiện sự thiếu tôn trọng các quyền hợp pháp của nhà nước Palestine. “Iran sẵn sàng hợp tác vô điều kiện với tất cả các nước Hồi giáo. Sự thống nhất trong các nước Hồi giáo rất quan trọng và Jerusalem nên trở thành vấn đề ưu tiên hàng đầu của chúng ta”, ông Rouhani bày tỏ.

Tình trạng của Israel là vấn đề cốt lõi trong cuộc xung đột giữa Israel và Palestine. Trong khi tiến trình hòa bình ở Trung Đông vẫn bế tắc, chính tuyên bố của Tổng thống Mỹ ngày 6-12 vừa qua đã phá hủy những nỗ lực giải quyết cuộc xung đột này, đồng thời làm dấy lên quan ngại về bạo lực gia tăng.

Hầu hết các quốc gia trên thế giới không công nhận đông Jerusalem thuộc về Israel mặc dù thành phố này bị nhà nước Do Thái chiếm giữ từ năm 1967. Theo thỏa thuận của quốc tế, số phận của Jerusalem phải được quyết định thông qua đàm phán.

Tuy nhiên, việc thu hẹp những khoảng cách trong cộng đồng chính trị Hồi giáo, trong đó có những khác biệt giữa các đối thủ Saudi Arabia (theo dòng Sunni) và Iran (theo dòng Shiite), vẫn là điều không dễ. Riyadh và Tehran đang tranh giành ảnh hưởng ở Trung Đông; thậm chí, hai nước này đều đứng về hai chiến tuyến khác nhau trong các vấn đề Yemen, Syria, Iraq và Lebanon. Không những thế, các nhà lãnh đạo Iran nhiều lần kêu gọi hủy diệt Israel, đồng thời ủng hộ các nhóm chiến binh Hồi giáo trong cuộc chiến chống Tel Aviv.

Từ trước đến nay, rất khó có được thỏa thuận cụ thể trong khối OIC. Vì vậy, các nhà quan sát có phần hoài nghi về sự thống nhất của OIC trong vấn đề Jerusalem và cho rằng, tuyên bố chỉ trích quyết định của Mỹ mà khối này đưa ra chỉ đơn thuần mang tính biểu tượng. Một số đối tác quan trọng, như Ai Cập, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) dường như không muốn tạo ra nhiều rủi ro cho mối quan hệ giữa những nước này với Mỹ. Người đại diện Saudi Arabia tham dự cuộc họp tại Istanbul là một quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.