7 năm sau "Mùa xuân Arab"': Tunisia vẫn bất ổn

.

Tunisia kỷ niệm 7 năm “Mùa xuân Arab” bằng các cuộc biểu tình bạo lực rộng khắp đất nước trong những ngày qua nhằm chống chính phủ. Người dân chỉ trích giới chức phản bội niềm tin của họ.

Những người biểu tình đụng độ với cảnh sát trên đường phố Tunis. 				          Ảnh: dw.com
Những người biểu tình đụng độ với cảnh sát trên đường phố Tunis. Ảnh: dw.com

Ngày 14-1, người dân Tunisia kêu gọi các cuộc biểu tình hòa bình khi thời điểm này đánh dấu 7 năm “cách mạng hoa nhài”, sự kiện mở đầu phong trào “Mùa xuân Arab”, sau đó lan rộng ra các nước Trung Đông và Bắc Phi như Ai Cập, Libya, Yemen, Syria… Theo AP, người dân Tunisia cho rằng, các nhà lãnh đạo mới đã không giải quyết được những vấn đề đặt ra từ “cách mạng hoa nhài”.

Cuộc “cách mạng hoa nhài” đã lật đổ Tổng thống Zine el-Abidine Ben Ali, người nắm quyền suốt 23 năm, buộc ông này phải chạy ra nước ngoài vào ngày 14-1-2011. 7 năm trôi qua, 6 chính phủ lần lượt thay thế nhưng những người biểu tình giờ đây cho rằng, các nhà chức trách đã làm tiêu tan hy vọng về công bằng xã hội và kinh tế, nền kinh tế của quốc gia Bắc Phi này sụp đổ khiến dân chúng cảm thấy bị phản bội.

Các cuộc biểu tình bùng phát tại Tunisia hồi đầu tuần qua do người dân tức giận trước chính sách “thắt lưng buộc bụng” cùng sự tăng giá lương thực, tăng thuế và các khoản đóng góp xã hội có hiệu lực từ đầu năm 2018. Từ những cuộc biểu tình quy mô nhỏ đến quy mô lớn hơn, cùng với đó là các vụ đụng độ với cảnh sát. 1 người chết; nhiều người khác bị thương, trong đó có 97 nhân viên an ninh; gần 780 phần tử quá khích đã bị bắt giữ; hàng chục xe của cảnh sát bị hư hại; 2 trạm cảnh sát bị đốt cháy… AFP cho hay, đảng Hồi giáo Ennahda - một phần trong liên minh cầm quyền và cả đảng của Thủ tướng Youssef Chahed cũng kêu gọi biểu tình.

Có mặt trong dòng người biểu tình do nhóm Fest Nestanaou (Chúng ta đang chờ đợi điều gì) tổ chức, Ali Ben Mahmoud - tốt nghiệp đại học ở thủ đô Tunis nói rằng, anh không nhìn thấy điều gì ở phía trước, không hy vọng về tương lai tốt đẹp hơn. Một người dân khác, Fatma Ben Hassine, phàn nàn cuộc cách mạng không mang lại gì cho cuộc sống hằng ngày của người Tunisia mà chỉ làm mọi việc càng trở nên tồi tệ hơn.  

Sau “cách mạng hoa nhài”, sự chuyển giao dân chủ đã mang lại cho Tunisia một hiến pháp mới, mở đường cho các cuộc bầu cử tự do và tăng cường bình đẳng giới. Nhóm 4 bên, còn gọi là “Bộ Tứ đối thoại quốc gia Tunisia” đã được trao giải thưởng Nobel Hòa bình 2015 vì công lao khôi phục hòa bình và xây dựng nền dân chủ ở đất nước này. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, một số động cơ thiết yếu đằng sau cuộc cách mạng đang bị phớt lờ. Theo các con số chính thức, tỷ lệ thất nghiệp ở Tunisia hiện trên 15%, ở một số địa phương, tỷ lệ này hơn 25%. “Đèn báo các chỉ số kinh tế và xã hội đều đỏ”, nhà kinh tế học Azzeddine Saidane nói. Trong khi đó, lạm phát trên 6%. Những điều này đã khiến người dân xuống đường.  

Theo AFP, ngày 13-1, chính phủ Tunisia công bố gia tăng viện trợ cho người nghèo và cải thiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, xem đây là một phần trong những cải cách xã hội để xoa dịu dân chúng. Bộ trưởng các vấn đề xã hội Mohamed Trabelsi cho biết, viện trợ hằng tháng đối với những gia đình nghèo sẽ tăng từ 150 dinar (50 euro) lên từ 180-210 dinar (60-70 euro). Ngoài ra, chính phủ cũng cung cấp nhà ở cho những gia đình khó khăn với hy vọng cải thiện được tình trạng bất ổn. Tuy nhiên, vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy khủng hoảng sẽ sớm lắng dịu.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.
.