Đàm phán về Jerusalem: Palestine không chấp nhận vai trò của Mỹ

.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cho rằng, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel là “cái tát thế kỷ” và Palestine không chấp nhận vai trò trung gian của Washington.

Nhà lãnh đạo Mahmoud Abbas (giữa) phát biểu tại cuộc họp với Hội đồng Trung ương Palestine ở thành phố Ramallah. 		Ảnh: AP
Nhà lãnh đạo Mahmoud Abbas (giữa) phát biểu tại cuộc họp với Hội đồng Trung ương Palestine ở thành phố Ramallah. Ảnh: AP

Ngày 15-1, Hội đồng Trung ương Palestine (PCC) - cơ quan cấp cao của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) - nhóm họp để đưa ra phản ứng đối với những gì mà họ cho là cuộc tấn công của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm vào nhà nước độc lập Palestine. Đây là cuộc họp hiếm hoi của PCC. Lần họp trước đó diễn ra vào năm 2015, kêu gọi chấm dứt hợp tác an ninh với Israel nhưng quyết định này không mang tính ràng buộc và cũng không được thực thi.

Hãng AFP cho biết, phát biểu ngay trước thềm cuộc họp nói trên, nhà lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas nhấn mạnh: “Thỏa thuận thế kỷ” là cú tát thế kỷ và chúng tôi không chấp nhận”, đề cập đến cam kết của Tổng thống Trump về việc đạt được “thỏa thuận cuối cùng” là nền hòa bình tại khu vực Trung Đông. Ông Abbas cho rằng, về chính trị, tôn giáo hay địa lý, Jerusalem đều là thủ đô của Palestine. Vì vậy, thành phố này không thể bị đưa ra khỏi bản đồ chính trị chỉ bằng thông điệp của Tổng thống Trump. “Chúng tôi nói “không” với ông Trump. Chúng tôi sẽ không chấp nhận kế hoạch của ông ta”, nhà lãnh đạo 82 tuổi tuyên bố, đồng thời kêu gọi quốc tế làm trung gian đối với tiến trình hòa bình Trung Đông. 

Jerusalem là tâm điểm trong cuộc tranh chấp kéo dài giữa Israel và Palestine. Nhà nước Do Thái Tel Aviv xem Jerusalem là thủ đô của mình, trong khi Palestine khẳng định đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine độc lập trong tương lai. Việc ông Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel không những làm Palestine tức giận mà còn khiến cộng đồng quốc tế “dậy sóng”. Ông Abbas cho rằng, quan điểm của người đứng đầu Nhà Trắng nghĩa là Mỹ không còn đóng vai trò trung gian trong các cuộc đàm phán hòa bình với Israel.

Trong lúc đó, Tổng thống Mỹ lại muốn đưa Israel và Palestine trở lại bàn đàm phán, vốn bế tắc từ năm 2014 đến nay. Và phía Israel dường như không chấp nhận bất kỳ trung gian nào khác ngoài Mỹ, đồng thời cáo buộc các cơ quan của Liên Hợp Quốc (LHQ) thiên vị nhằm chống lại Tel Aviv.

Thực tế, quan hệ giữa Mỹ với Palestine xấu đi nhanh chóng kể từ khi ông Trump nhậm chức. Trở thành chủ nhân Nhà Trắng, ông Trump cam kết dẫn đầu một chính phủ thân Israel nhất trong lịch sử Mỹ nhưng cũng theo đuổi một thỏa thuận hòa bình. Các đặc sứ của ông, trong đó có cố vấn cấp cao và là con rể Jared Kushner, đã có những chuyến công cán đến Trung Đông để tìm tiếng nói chung.

Tuy nhiên, với việc từ chối công nhận nhà nước Palestine độc lập và gần đây dọa cắt hàng trăm triệu USD viện trợ của Mỹ, ông Trump làm người Palestine phật lòng. Tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel càng làm “đóng băng” quan hệ giữa Mỹ với Palestine và ông Abbas được cho là sẽ phớt lờ Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence khi ông này đến khu  vực trong tuần tới. 

Tối 14-1, ông Abbas cũng chỉ trích Đại sứ Mỹ tại Israel David Friedman và Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley. Cả hai quan chức này đều ủng hộ Israel, trong đó ông Friedman tỏ rõ ủng hộ các khu tái định cư Do Thái ở Bờ Tây.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Lieberman chỉ trích tuyên bố nói trên của nhà lãnh đạo Palestine, cho rằng ông Abbas đang “mất đi sự khôn ngoan và từ bỏ đàm phán”. Theo AP, hiện Tổng thống Trump chưa đưa ra quyết định cuối cùng về việc cắt viện trợ cho Palestine. Song, theo các quan chức, có thể Mỹ sẽ chỉ rót 69 triệu USD, thay vì 125 triệu USD cho Cơ quan cứu trợ và việc làm cho người tị nạn Palestine của LHQ (UNRWA).

PHÚC NGUYÊN
 

;
.
.
.
.
.
.