Đức tiến gần liên minh chính phủ mới

.

Đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel và đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của ông Martin Schulz đạt thỏa thuận “đột phá”, mở ra hy vọng hình thành liên minh chính thức, chấm dứt khủng hoảng chính trị ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Thủ tướng Angela Merkel gặp gỡ các lãnh đạo CSU Horst Seehofer (bìa trái) và SPD Martin Schulz (bìa phải) tại Berlin ngày 12-1. 					     Ảnh: Reuters
Thủ tướng Angela Merkel gặp gỡ các lãnh đạo CSU Horst Seehofer (bìa trái) và SPD Martin Schulz (bìa phải) tại Berlin ngày 12-1. Ảnh: Reuters

Sau hơn 24 giờ đàm phán, lãnh đạo CDU/CSU và SPD ngày 12-1 đạt được thỏa thuận trên nguyên tắc, nhằm bắt đầu các cuộc đàm phán về việc thành lập liên minh chính thức. Theo đó, một chính phủ mới có thể được thành lập trong vài tháng tới.

Hãng Reuters cho rằng, thỏa thuận nói trên sẽ mở đường để kết thúc bế tắc vốn làm giảm vai trò của Đức trong các vấn đề quốc tế, đồng thời làm lung lay chiếc ghế Thủ tướng của bà Merkel. Song, một nguồn tin cho biết, CDU/CSU và SPD vẫn còn những bất đồng về việc tăng thuế nếu hai bên chính thức lập liên minh chính phủ.

CDU/CSU không chiếm đa số ghế trong cuộc bầu cử vào tháng 9-2017. Bà Merkel cũng thất bại khi đàm phán về một liên minh 3 bên với đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP) hồi tháng 11-2017. Vì vậy, nhà lãnh đạo này hướng sang SPD với việc kêu gọi đảng này “bắt tay” để lập đại liên minh. “Đặt cược” vào SPD, bà Merkel mong muốn không để xảy ra kịch bản bầu cử lại, cũng không có tình trạng chính phủ thiểu số lần đầu tiên của nước Đức kể từ sau Thế chiến thứ hai. Là lãnh đạo của CDU, bà Merkel đã làm Thủ tướng 3 nhiệm kỳ và đang tìm kiếm nhiệm kỳ thứ tư nhưng nếu bầu cử lại thì không bảo đảm khả năng chiến thắng của đảng này.

Khi bước vào đàm phán, cả bà Merkel lẫn ông Martin Schulz đều cảnh báo về “những trở ngại lớn” phía trước nhưng vẫn bày tỏ tin tưởng họ có thể đồng hành với nhau. Theo Karl-Rudolf Korte ở Đại học Duisburg-Essen, đàm phán không chỉ nói về một liên minh mà còn bàn về sự nghiệp của các đảng. Ông Horst Seehofer, lãnh đạo CSU khẳng định, nếu SPD “bật đèn xanh” thì có thể có “4 năm rất tốt đẹp”. “Tôi nói về những năm này bởi tôi tin rằng, chúng ta sẽ thành công”, ông Seehofer nhấn mạnh. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều nghị sĩ SPD phản đối đại liên minh. Theo đó, liên minh mới sẽ sụp đổ nếu các nghị sĩ SPD bỏ phiếu xem xét liệu đảng này có vượt qua cái bóng của bà Merkel hay không.

Là nền kinh tế lớn nhất châu Âu và là trung gian trong rất nhiều vấn đề, Đức có vai trò quan trọng đối với vận mệnh của khu vực. Các nhà quan sát cho rằng, các đối tác của Đức đang chờ đợi một chính phủ mới để giúp thúc đẩy vấn đề Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu - EU), cải cách khối các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone) và các sáng kiến ngoại giao EU.

Thăm dò dư luận cho thấy, hầu hết người dân Đức không mấy lạc quan về liên minh bảo thủ và SPD. Theo kết quả một cuộc khảo sát được đăng tải trên tạp chí Focus, chỉ 30% người Đức ủng hộ việc trở lại đại liên minh, trong khi 34% muốn bầu cử lại. Thăm dò khác do đài ARD thực hiện cho thấy, chỉ 45% đánh giá cao về triển vọng thành lập đại liên minh, trong khi 52% cho ý kiến ngược lại.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.
.