Ông Trump đưa tường biên giới vào vấn đề nhập cư

.

Một ngày sau tuyên bố sẵn sàng ký phê chuẩn bất cứ dự luật nào đã được Quốc hội Mỹ thông qua, Tổng thống Donald Trump “nói lại” rằng, ông sẽ chỉ ký nếu luật đề cập chuyện cấp ngân sách xây tường biên giới.

Các nhà hoạt động biểu tình bên ngoài văn phòng Thượng nghị sĩ Chuck Schumer tại New York yêu cầu thông qua luật bảo vệ chương trình DACA.		              Ảnh: Reuters
Các nhà hoạt động biểu tình bên ngoài văn phòng Thượng nghị sĩ Chuck Schumer tại New York yêu cầu thông qua luật bảo vệ chương trình DACA. Ảnh: Reuters

Ngày 10-1 (giờ Washington), Tổng thống Donald Trump cho rằng, bất cứ dự luật nào muốn bảo vệ gần 1 triệu người nhập cư trẻ không giấy tờ tại Mỹ cũng sẽ phải kèm theo điều kiện phê chuẩn ngân sách xây tường biên giới để ngăn cản tình trạng nhập cư trái phép. Tuy nhiên trước đó, trong cuộc họp ngày 9-1, trước các nghị sĩ lưỡng viện Quốc hội, ông Trump tuyên bố sẽ ký phê chuẩn bất cứ dự luật nào nhằm ngăn chặn những người nhập cư bất hợp pháp nếu Quốc hội đã thông qua. Việc ông Trump có những tuyên bố mâu thuẫn làm dư luận Mỹ, đặc biệt là cộng đồng người nhập cư rất đỗi hoang mang.

Thời gian qua, đảng Dân chủ và nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa không đồng tình về việc phê chuẩn khoản chi ngân sách cho việc xây dựng bức tường chắn ở biên giới giữa Mỹ và Mexico theo đề xuất của ông Trump nhằm ngăn cản người nhập cư. Giờ đây, khi cả hai đảng đều tỏ tín hiệu ủng hộ chương trình DACA (Deffered Action for Childhood Arrivals - chương trình tạm hoãn thi hành lệnh trục xuất) với những người đến Mỹ từ thơ ấu, ông Trump “kèm” vào đó điều kiện: DACA phải kèm với việc phê chuẩn ngân sách xây tường biên giới.

Tháng 9-2017, ông Trump chấm dứt chương trình DACA vốn được áp dụng dưới thời người tiền nhiệm Barack Obama. Thời điểm công bố chấm dứt chương trình DACA, ông Trump đặt thời hạn 6 tháng để Quốc hội xem xét, ra quyết định cuối cùng. Theo đó, đến ngày 5-3-2018, nếu Quốc hội Mỹ không thông qua dự luật ủng hộ duy trì chương trình DACA, nó sẽ chấm dứt hoàn toàn.

Tuy nhiên, ngày 9-1, thẩm phán William Alsup tại San Francisco ra phán quyết tạm ngăn cản thực thi lệnh hủy bỏ chương trình DACA. Theo đó, chương trình này vẫn được duy trì trong lúc chờ giải quyết các vấn đề tố tụng liên quan tới quyết định dừng DACA của Tổng thống Trump.

Phán quyết nói trên của thẩm phán William Alsup được đưa ra trong lúc ông Trump và các lãnh đạo tại Quốc hội Mỹ thảo luận về những nội dung cải cách nhập cư trên quy mô lớn. Thư ký báo chí Nhà Trắng, bà Sarah Huckabee Sanders nói rằng, phán quyết này “rất quá đáng”. “Vấn đề quan trọng này sẽ phải trải qua quy trình lập pháp thông thường. Tổng thống Trump cam kết thượng tôn luật pháp và sẽ bàn thảo với các thành viên của cả hai đảng để đạt được một giải pháp vĩnh viễn, khắc phục những hành động vi hiến của chính quyền tiền nhiệm”, bà Sanders nói.  Ông Trump cũng chỉ trích hệ thống tòa án Mỹ sau phán quyết của thẩm phán William Alsup, thậm chí cho rằng hệ thống luật pháp Mỹ đã “bị phá hỏng và bất công”.

Trong cương lĩnh tranh cử tổng thống năm 2016, tỷ phú Donald Trump nêu quan điểm rất cứng rắn về cách thức giải quyết vấn đề người nhập cư nếu ông đắc cử. Theo đó, ông cam kết chấm dứt chương trình DACA, siết chặt thêm các biện pháp bảo vệ biên giới và tăng số việc làm cho người lao động Mỹ.

Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy, việc thông qua dự luật bảo vệ chương trình DACA đang nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, mặc dù vẫn tồn tại một số bất đồng liên quan các biện pháp thực thi chương trình đó. Nhiều công ty lớn của Mỹ đã vận động hành lang để Quốc hội thông qua một điều luật như vậy nhằm bảo vệ các lao động nhập cư không có giấy tờ hợp pháp khi họ là lực lượng lao động không nhỏ trong các doanh nghiệp này.

Kể từ khi được Tổng thống Barack Obama ký phê chuẩn năm 2012, chương trình tạm hoãn thi hành lệnh trục xuất đối với những người đến Mỹ từ thơ ấu (DACA) đã giúp bảo vệ gần 800.000 cư dân trẻ không bị trục xuất khỏi Mỹ và có cơ hội học tập, lao động hợp pháp tại nước này. Tại nhiều bang, nhiều tổ chức và cá nhân cũng đã đệ đơn kiện nhằm tìm giải pháp bảo vệ những người đang được thụ hưởng chương trình DACA.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
.
.
.
.
.
.